Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sau những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch, cùng với động thái chuyển dịch dòng đầu tư trên thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo sẽ chảy mạnh vào nước ta. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để đón được làn sóng đầu tư chất lượng cao.

Nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT): Tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, có 984 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án nhưng tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Về vốn điều chỉnh, có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng trị giá gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn vào bức tranh đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết: "Tổng vốn đầu tư 4 tháng giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đây là xu hướng chung của thế giới, thậm chí nhiều quốc gia giảm 30-40% do tác động của dịch Covid-19". Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm, song trong 4 tháng, tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 45,6% cho thấy niềm tin vào sự phát triển của các nhà đầu tư vào Việt Nam rất lớn. “Đây là những doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam. Họ đã hiểu về tình hình kinh tế tại nước sở tại và quyết định mở rộng quy mô đầu tư. Có nghĩa là họ tiếp tục tìm thấy tiềm năng phát triển ở Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng phân tích.

 Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên). Ảnh: KHÁNH AN

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên). Ảnh: KHÁNH AN

Về triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm chỉ là xu hướng tạm thời. Triển vọng đầu tư nước ngoài sau dịch bệnh ở Việt Nam là rất lớn và là tiền đề cho năm 2021. Môi trường chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô phát triển bền vững cùng với những nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng là nền tảng thuận lợi để các DN chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Mặt khác, trên thế giới đang xuất hiện những xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư rất lớn sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và dịch Covid-19. “Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách phải đa dạng hóa danh mục sản xuất thay vì chỉ tập trung tại một quốc gia nào đó”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định.

Khẳng định Việt Nam sẽ là địa chỉ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi cũng đang tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đem lại nhiều lợi thế cho Việt Nam nhưng cũng là một thách thức rất lớn, đó là làm sao trong thời gian ngắn vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, ngay lúc này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có những hành động nhanh và mạnh hơn hỗ trợ DN chớp lấy "thời cơ vàng” nhằm bứt phá, kích thích tăng trưởng. Còn DN cần phải có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Nêu cụ thể về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Bộ KH&ĐT đang tập hợp nghiên cứu các làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới để có thể đón đầu. Bộ KH&ĐT cũng đã tiếp cận các hiệp hội, các nhà đầu tư lớn để trao đổi về các gói hỗ trợ, giải pháp trong khuôn khổ pháp luật, tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc có tận dụng được cơ hội thu hút FDI hay không tùy thuộc vào chính các giải pháp xử lý khủng hoảng và hỗ trợ DN của Chính phủ trong tương quan với các nước trong khu vực. Muốn vậy, trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cầu cảng…) cùng hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học…) để đón nhận và hỗ trợ hoạt động đầu tư này. Cùng với đó, cần chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, gồm lao động có tay nghề và cán bộ quản lý; có cách xúc tiến đầu tư hiệu quả, hấp dẫn để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng để đón nhận dòng đầu tư chất lượng cao. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN cần triển khai sớm chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn làm chủ các chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam, không thụ động chờ họ tìm đến với mình. Đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ để kết nối thành chuỗi cung ứng với DN nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, hiện cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các nước rất khốc liệt. Vì vậy, nhiều quốc gia đã đưa ra các cơ chế chính sách để nắm bắt nguồn đầu tư này. Chẳng hạn, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc đều có các gói ưu đãi hấp dẫn về thu hút đầu tư… Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã luôn theo dõi, tổng hợp, đánh giá nguồn dịch chuyển về vốn đầu tư để tham mưu cho Chính phủ. Việc thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là căn cứ quan trọng để Việt Nam thu hút được dòng vốn chất lượng cao. Đây cũng là cơ sở để tới đây sửa đổi Luật DN và Luật Đầu tư, tìm cách thu hút các DN lớn, có tiềm năng đến Việt Nam, góp phần đưa nền kinh tế phát triển.

VŨ DUNG - MAI THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/san-sang-don-lan-song-dau-tu-moi-619264