Sản xuất công nghiệp gặp khó đầu năm

Không nằm ngoài dự báo, sản xuất công nghiệp trong tháng đầu của năm 2023 đã có mức sụt giảm khá mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 1 năm nay ước tính giảm 6,93% so với cùng kỳ năm trước và giảm 14,82% so với tháng 12/2022. Nguyên nhân là do số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm…

Giầy dép là một trong các sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức sản xuất giảm khá mạnh trong tháng 1. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Giầy Regis Việt Nam, CCN Văn Phong).

Giầy dép là một trong các sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức sản xuất giảm khá mạnh trong tháng 1. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Giầy Regis Việt Nam, CCN Văn Phong).

Giá trị sản xuất sụt giảm

Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 1 năm nay ước tính giảm 6,93% so với cùng kỳ năm trước; so với tháng trước (tháng 12/2022), chỉ số IIP toàn tỉnh tháng này giảm 14,82%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 27,16%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu 14,21%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 29,84%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,15%.

Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do không có đơn đặt hàng mới, thiếu linh kiện, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Bên cạnh đó, tháng 1 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 20 đến hết ngày 26 tháng 1/2023), hầu hết các doanh nghiệp đều sắp xếp công việc, bố trí thời gian để cán bộ, công nhân nghỉ Tết theo đúng quy định.

Điều đáng lưu ý, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành sụt giảm 3,4% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,6%. Đây là ngành có tỷ trọng đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh cao nhất. Trong khi đó một số sản phẩm công nghiệp chủ lực lại có mức sản xuất giảm sút khá mạnh như: nước dứa tươi 0,2 triệu lít, giảm 25,9%; quần áo các loại 5,6 triệu cái, giảm 51,5%; giày dép các loại 4,8 triệu đôi, giảm 13,6%; phân Ure 41,2 nghìn tấn, giảm 12,5%; phân lân nung chảy 10,1 nghìn tấn, giảm 41,6%; xi măng 0,5 triệu tấn, giảm 33,3%; clanke 70 nghìn tấn, giảm 67,3%; thép cán các loại 16,5 nghìn tấn, giảm 33,2%; linh kiện điện tử 8 triệu cái, giảm 23,8%; modul camera 25,9 triệu cái, giảm 20,6%; kính máy ảnh 40 nghìn cái, giảm 67,3%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 3,6 nghìn chiếc, giảm 17%; xe ô tô chở hàng hóa 0,6 nghìn chiếc, giảm 47,8%; cần gạt nước ô tô 0,4 triệu cái, giảm 64,5%; đồ chơi hình con vật 1 triệu con, giảm 26,4%… Ở chiều ngược lại các ngành khai khoáng ước đạt 48,1 tỷ đồng, tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện 72,3 tỷ đồng, tăng 4,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 25,8 tỷ đồng, tăng 8,5%... Tuy nhiên mức tăng không cao nên giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành mới chỉ đạt 7.744,8 tỷ đồng.

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cho thấy sự biến động của thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng và quy mô ở cả trong nước và nước ngoài... Điều này làm sản lượng tồn kho một số sản phẩm công nghiệp đến 31/12/2022 vẫn ở mức cao. Trong đó, giày, dép là 1,6 triệu đôi; đạm urê 44,0 nghìn tấn; phân NPK 40,8 nghìn tấn; phân lân nung chảy 19,5 nghìn tấn; kính xây dựng 82,7 nghìn tấn; xi măng 17,1 nghìn tấn; thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim, được cán nóng 12,6 nghìn tấn; bản vi mạch điện tử 18 triệu chiếc; modul camera 19,8 triệu cái; xe ô tô lắp ráp 941 chiếc...

Tăng cường hỗ trợ

Trước những khó khăn trên, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, Sở Công Thương sẽ rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của tỉnh, đẩy mạnh tham mưu cho UBND tỉnh về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quỹ đất, các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ... Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước... để tăng khả năng cạnh tranh.

Năm 2023, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch 175/KH-UBND ngày 27/10/2020 của UBND tỉnh về quản lý và phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có như Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I; đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng khu 35ha Khu công nghiệp Gián khẩu mở rộng.

Tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Khánh Hải I, Khánh Hải II, Khánh Lợi,... đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có nguồn thu lớn cho ngân sách. Hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ thành lập/mở rộng cụm công nghiệp làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp theo đúng tính chất ngành nghề được quy hoạch.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-xuat-cong-nghiep-gap-kho-dau-nam/d2023020218063215.htm