Sản xuất lúa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 30 vùng sản xuất lúa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ giúp người dân chủ động chuyển dịch cơ cấu giống lúa phù hợp với từng vùng, việc hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ còn tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Giống lúa lai 3 dòng SYN8 được doanh nghiệp liên kết với nông dân xã An Khánh (Đại Từ) gieo cấy khảo nghiệm trong vụ mùa năm nay đạt năng suất cao, chất lượng tốt, cơm ngon, vị đậm.

Giống lúa lai 3 dòng SYN8 được doanh nghiệp liên kết với nông dân xã An Khánh (Đại Từ) gieo cấy khảo nghiệm trong vụ mùa năm nay đạt năng suất cao, chất lượng tốt, cơm ngon, vị đậm.

Hình thành các vùng lúa đặc sản

Với mục tiêu phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hàng hóa, có thương hiệu sản phẩm. Diện tích sản xuất lúa tập trung của tỉnh hiện có khoảng 2.700ha, trong đó có hơn 110ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có một số vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung, như vùng trồng lúa nếp thầu dầu ở huyện Phú Bình (khoảng 200ha); trồng lúa nếp vải ở huyện Phú Lương (300ha); trồng lúa nếp cái hoa vàng ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai; sản xuất lúa Bao Thai ở huyện Định Hóa (1.000ha trong vụ mùa)...

Thực tế cho thấy, việc xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung vừa tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng (từ công đoạn gieo cấy, chăm bón đến thu hoạch) vừa giảm chi phí đầu vào cho bà con. Đặc biệt là giúp quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng hàm lượng sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị kinh tế thu được trên cùng một đơn vị diện tích. Do đó, thời gian qua, các địa phương có các vùng sản xuất lúa đặc sản đã tích cực thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bà Nông Thị Hồng, ở xã Ôn Lương (Phú Lương), cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi khi nhiều người biết đến sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng ở Phú Lương. Đây là yếu tố quan trọng để các sản phẩm làm từ loại gạo nếp này được tiêu thụ mạnh hơn, mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con.

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Để xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung ổn định, bền vững thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu tư cho sản xuất, hạ tầng cơ sở… đóng vai trò rất quan trọng. Đáng mừng là từ xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản đã mang lại cho nông dân trên địa bàn tỉnh hướng đi mới.

Nhờ phát triển vùng sản xuất lúa nếp Thầu Dầu, huyện Phú Bình đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất tương Úc Kỳ. Hay như từ vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng ở các huyện Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai đã tạo được vùng nguyên liệu rộng lớn để làm ra sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu, cốm đặc sản…

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: Nếu chỉ đơn giản là lúa đặc sản thì việc tiêu thụ không hề thuận lợi. Tuy nhiên, khi tạo được vùng sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao và đầu tư cho chế biến sâu thì đầu ra sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Tại các vùng sản xuất lúa tập trung trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, đơn vị liên kết với nông dân gieo cấy các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao.

Tại các vùng sản xuất lúa tập trung trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, đơn vị liên kết với nông dân gieo cấy các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao.

Bên cạnh việc xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, ngành Nông nghiệp và PTNT còn khuyến khích bà con nông dân và các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong vụ mùa năm nay, một số mô hình liên kết được thực hiện trên địa bàn tỉnh đã cho thấy những tín hiệu quả quan. Đơn cử như mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa lai 3 dòng SYN8 tại xã An Khánh (Đại Từ) do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ thực hiện. Mô hình này được đánh giá là khá hiệu quả, với năng suất lúa đạt 7,5 tấn/ha, chất lượng tốt, cơm ngon, vị đậm, cho thu lãi 43 triệu đồng/ha; giống lúa lai 3 dòng SYN8 có nhiều triển vọng trên đồng đất Thái Nguyên.

Chi nhánh Vật tư nông nghiệp TP. Phổ Yên duy trì liên kết với Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương, ở xã Minh Đức, để sản xuất 10ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Chi nhánh cam kết mua sản phẩm thóc tươi của nông dân với mức giá cao hơn thị trường khoảng 10% nên đã khuyến khích được bà con tham gia.

Đến nay, các vùng sản xuất lúa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo ra hơn 60% sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao của tỉnh. Tham gia liên kết, bà con nông dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, việc nông dân mạnh dạn đưa các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy tại các vùng sản xuất tập trung cũng được tỉnh khuyến khích, trong đó ưu tiên những giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, được thị trường ưa chuộng, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh gieo cấy các giống lúa như lúa thuần J02, Đài Thơm 8, Sumo; lúa lai TH3-7, B-TE1, Syn98, HK T99…

Thực tế cho thấy, việc xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/san-xuat-lua-tap-trung-gan-voi-tieu-thu-san-pham-b07140d/