Tạo nhịp cầu liên kết trong nông nghiệp

Nhiều năm nay, An Giang quan tâm mời gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, với mong muốn sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn khá 'khiêm tốn' so với kỳ vọng.

Những “đầu mối” lớn

Tham gia liên kết rất sớm với tỉnh An Giang (từ ngày 12/9/2018), Công ty TNHH Ricegowers Singapore PTE ký kết hợp tác nhân và cung cấp giống lúa Japonica xác nhận; hợp tác sản xuất lúa giống xác nhận 1.000ha tại huyện Châu Thành, 10.000ha lúa thương phẩm tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn; hợp tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm lúa gạo Japonica. Từ vụ thu đông 2022 đến nay, công ty triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Quới (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới), tăng 30ha/vụ lên 50ha/vụ.

Tháng 5/2019, 3 công ty đồng loạt ký kết phối hợp tiêu thụ xoài trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Năm 2020, Công ty Cổ phần Nafoods Group ký kết phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái. Cũng trong giai đoạn này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết xây dựng thương hiệu gạo An Giang, phát triển chuỗi giá trị từ gạo, phát triển mới 200 HTX gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái; phát triển tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân, cung ứng dịch vụ nông nghiệp và thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

“Cú hích” này mang đến kết quả khả quan: Hỗ trợ thành lập mới 39 HTX, HTX có sự tham gia của công ty (góp vốn, hỗ trợ nhân sự điều hành và kỹ thuật), 2 liên hiệp HTX với 19 thành viên; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với diện tích tăng dần từng năm (70.000ha năm 2021, 84.908ha năm 2022, 71.319ha năm 2023); liên kết 113ha xoài (LĐ12) tại TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, An Phú, TP. Châu Đốc.

An Giang còn nhận được sự tham gia liên kết tích cực của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với HTX, tổ hợp tác; thu mua lúa khoảng 100.000 tấn/vụ); Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (liên kết thông qua HTX (trung gian) khoảng 30.000ha lúa, nếp/năm; liên kết thông qua cộng tác viên và thương lái khoảng 30.000ha/năm). Từ năm 2022, Công ty Antesco liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp thu trái non, đậu nành rau với nông dân, tổ hợp tác, HTX tại 8 địa phương, diện tích từ 300 - 600ha/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), điểm sáng là tỉnh đã hỗ trợ kịp thời DN, HTX, cá nhân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp phát triển, trở thành cầu nối quan trọng giữa DN - nông dân; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tiến tới liên kết chặt chẽ để sản xuất theo đặt hàng của DN tiêu thụ theo chuỗi giá trị với tiêu chuẩn chất lượng xác định trước. Từ đó, nông dân an tâm sản xuất khi biết trước sản phẩm sẽ bán cho ai, mức lợi nhuận có thể đạt được, không còn lo tình trạng “được mùa, mất giá”.

Nhịp cầu chưa liền mạch

Gắn bó cả đời với ruộng vườn, nông dân Võ Hữu Dự (ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) nhận thấy một số bất cập trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại địa phương. “Không chỉ vật tư nông nghiệp kém chất lượng đang bày bán tràn lan trên thị trường, còn có việc DN e ngại đầu tư vì sợ rủi ro trong liên kết chuỗi giá trị; HTX gặp hạn chế về nguồn lực và cơ chế hoạt động. Sau khi thu hoạch, một số mặt hàng nông sản (trong đó có lúa, gạo) luôn bị tư thương ép giá, đồng thời DN chỉ liên kết tiêu thụ một số diện tích nhưng chưa đáng kể” - ông Dự băn khoăn.

Tại huyện Châu Phú, Công ty Kim Nhũng liên kết sản xuất, tiêu thụ rau muống lấy hạt từ 280 - 300ha/năm; Công ty Cổ phần Non Nước liên kết sản xuất, tiêu thụ 14ha sầu riêng với HTX Phước Lộc Thạnh. HTX Thương mại - Dịch vụ chăn nuôi Ếch Khánh Hòa liên kết cung cấp con giống, thức ăn và thu mua ếch thịt với hộ nuôi trên địa bàn xã. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty TNHH MTV Đồng Phát ký hợp đồng tiêu thụ lúa chất lượng cao từ 15.000 - 18.000ha/năm.

Tuy nhiên, diện tích được liên kết chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với toàn diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ: “Thực tế cho thấy, việc theo dõi, giám sát thực hiện các nội dung theo hợp đồng liên kết đã ký giữa nông dân và DN gặp nhiều khó khăn. Khi có sự chênh lệch về giá thị trường so với giá ký kết, một trong 2 bên sẽ phá vỡ hợp đồng. Sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động, khiến DN, HTX ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân. Chưa kể, nông dân sản xuất theo hướng tự phát, dẫn đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp càng khó khăn”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp khẳng định, khó khăn của huyện Châu Phú cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trong tỉnh: “Nhận thức về liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi vẫn còn hạn chế, khi nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật theo yêu cầu DN tiêu thụ. Mặt khác, điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết do HĐND tỉnh ban hành (Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 23/2022/NQ-HĐND) khó đáp ứng trong thực tế (quy mô, thời gian liên kết); DN tham gia liên kết và tiêu thụ chưa duy trì ổn định. Chưa nhiều DN tiêu thụ nông sản có tiềm lực cam kết thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lâu dài. Nội dung hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% (theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/8/2018 của Chính phủ) rất thấp so với khả năng đối ứng của HTX, chưa khuyến khích HTX mạnh dạn tham gia”.

Mở cơ chế mời gọi, thu hút

Theo ngành chuyên môn, có 5 giải pháp lớn cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt để nâng cao hiệu quả liên kết và tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đó là tiếp tục mời gọi DN ngoài tỉnh có năng lực đến An Giang tham gia đầu tư, triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lâu dài. Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh có chính sách đặc thù để thu hút, mời gọi DN, xác định DN là chủ thể của liên kết chuỗi giá trị, mang tính quyết định trong xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng trong thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; xác định phát triển HTX nông nghiệp trở thành trung tâm tổ chức sản xuất của từng vùng, từng khu vực; nông dân được khuyến khích tham gia vừa là thành viên của HTX, vừa là người trực tiếp sản xuất theo chuỗi giá trị đã thiết lập, liên kết với DN tiêu thụ và cung ứng sản phẩm theo yêu cầu tiêu thụ của DN. Đây là cơ sở tốt để có thể thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất. Cần quan tâm phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa quy mô lớn có khả năng ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với quy trình chuẩn, đồng bộ (từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói) theo yêu cầu của thị trường, DN. Sản phẩm sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, phát triển bền vững liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Tỉnh đang áp dụng quy định về sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 23/2022/NQ-HĐND, ngày 11/11/2022, Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tổ chức đoàn giám sát một số địa phương, ngành chuyên môn về kết quả triển khai, thực hiện chính sách này. Sau 5 năm ban hành, các nghị quyết vẫn chưa được thực hiện hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Duy Toàn, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương, đơn vị, xem đây là cơ sở để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trước mắt, cần tiếp tục tuyên truyền, phối hợp ngành chuyên môn tập huấn nâng cao ý thức của nông dân, DN, HTX trong thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm; quan tâm định hướng cho nông dân lựa chọn sản xuất nông nghiệp phù hợp thị trường, thuận lợi tìm đầu ra; nắm bắt kịp thời để giải quyết khó khăn, vướng mắc giữa các bên trong liên kết…

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tao-nhip-cau-lien-ket-trong-nong-nghiep-a408102.html