Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - hướng đi mới của nhà nông

Diện tích sản xuất lúa lớn là điều kiện thuận lợi để Phú Yên trở thành vùng sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: THỦY TIÊN

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, thời gian qua, trong cả nước đã có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được hình thành. Báo Phú Yên trao đổi với ông Hồ Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm - một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam xung quanh việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, những ưu thế của loại hình nông nghiệp này.

Ông Hồ Đăng Khoa

Ông Hồ Đăng Khoa

* Ông cho biết quá trình hình thành sản xuất nông nghiệp hữu cơ?

- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hình thức sản xuất tính đến các yếu tố đảm bảo hệ sinh thái cây trồng và vật nuôi, an toàn cho người sử dụng mà không dùng bất cứ loại hóa chất độc hại nào. Trên thế giới, hình thức này được hình thành vào những năm đầu thế kỷ XX. Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ bắt đầu xuất hiện khi một số tổ chức nước ngoài đến nghiên cứu và đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào cuối những năm 90.

Tuy nhiên, phải đến năm 2010 thì nước ta mới thực sự đầu tư vào hình thức sản xuất này và phát triển mạnh từ năm 2014 đến nay. Tính đến hết năm 2019, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 237.000ha, 46 tỉnh thành đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hoàn thiện các đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 97 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia.

* Những ưu thế mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại là gì, thưa ông?

- Khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, người được hưởng lợi trước tiên đó là nông dân trực tiếp sản xuất. Quy trình sản xuất này hoàn toàn không sử dụng đến các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học… vì vậy bà con sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ hóa chất trong quá trình canh tác. Khi liên kết sản xuất với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hoặc các đơn vị khác, nông dân được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và sẽ được bao tiêu đầu ra với giá thành luôn cao hơn từ 10-15% so với thị trường.

Đồng thời môi trường trong vùng sản xuất được đảm bảo, phù hợp để phát triển các dịch vụ du lịch trải nghiệm đi kèm. Một khi nông sản được sản xuất hữu cơ, đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu, tiến đến với các thị trường lớn trên thế giới thì giá trị thặng dư mang lại cũng sẽ tăng vọt, kéo theo lợi nhuận của người nông dân tăng theo…

Từ năm 2012, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm bắt đầu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến năm 2015, doanh nghiệp chuyển hẳn sang sản xuất hữu cơ với các loại nông sản như gạo, chè, thanh long ruột đỏ, cà phê, bưởi da xanh, cam xã Đoài… với vùng nguyên liệu trải dài ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

* Điều kiện cơ bản để có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ là gì?

- Trước tiên, để có thể sản xuất hữu cơ thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về đất đai, nước tưới không bị ô nhiễm, không ở gần nghĩa trang, khu công nghiệp, bệnh viện; phân bón phải sử dụng phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh mà không sử dụng các loại phân bón hóa học.

Để tăng năng suất canh tác, sẽ tập trung vào việc đưa vào sản xuất các bộ giống mới có năng suất cao và tạo các điều kiện về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… phù hợp nhất cho sinh trưởng thông qua ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Về phía người nông dân phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các đơn vị, bộ, ngành hướng dẫn.

* Theo ông, Phú Yên có những thuận lợi gì để làm nông nghiệp hữu cơ và liệu có thể trở thành vùng nguyên liệu mới của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm trong tương lai?

- Phú Yên là địa phương có cánh đồng lúa lớn nhất vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu lúa hữu cơ. Điều kiện khí hậu cũng khá thuận lợi với hai mùa mưa nắng rõ rệt phù hợp để sản xuất 2 vụ lúa chính trong năm; hệ thống thủy lợi được đầu tư khá tốt giúp ổn định nguồn nước tưới.

Cùng với đó, nông dân địa phương có kiến thức, kinh nghiệm canh tác lúa lâu đời, là nền tảng để bà con chuyển đổi tiến đến sản xuất lúa hữu cơ. Và đây cũng chính là những lý do mà chúng tôi đang “nhòm ngó” đến Phú Yên. Thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh khảo sát, nghiên cứu cụ thể để tính đến việc phối hợp triển khai chương trình nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

THỦY TIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/252484/san-xuat-nong-nghiep-huu-co-huong-di-moi-cua-nha-nong.html