Sáng kiến cải tiến kỹ thuật - tăng hiệu quả sản xuất
Bên cạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng. Hoạt động này những năm gần đây ngày càng đi vào thực chất, khi những sáng kiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng cao, phục vụ tích cực cho quá trình tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm lợi cho doanh nghiệp.
Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Được sự quan tâm chỉ đạo, khuyến khích của đảng ủy, HĐQT, ban giám đốc, phong trào phát huy sáng kiến kỹ thuật ở Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn) đã trở thành hoạt động thường xuyên của tất cả các phòng, ban, đơn vị, với sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Theo đó, đảng ủy công ty đã ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của đảng ủy đối với công tác thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến kỹ thuật. Đồng chí Phạm Quang Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy Vicem Bỉm Sơn, cho biết: Những năm gần đây, dây chuyền, thiết bị của công ty đã được nhập, thay mới ở nhiều bộ phận. Tuy nhiên, vẫn còn những thiết bị cũ nhưng vẫn là những “mắt xích” sản xuất quan trọng, cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt trong dây chuyền công nghệ, giảm hao phí nguyên vật liệu, tăng hiệu quả sản xuất. Những ý tưởng có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, giảm chi phí đều được hội đồng sáng kiến công ty đánh giá, khen thưởng.
Ông Nguyễn Chí Thức, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Vicem Bỉm Sơn - đơn vị thường trực hội đồng sáng kiến, cho biết: Mỗi năm, hội đồng sáng kiến của công ty tiếp nhận hàng chục ý tưởng, sáng kiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến cải tiến chi tiết các thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất đã được triển khai, ứng dụng trong thực tiễn có giá trị làm lợi cao, tiết kiệm chi phí. Điển hình từ năm 2016 đến năm 2019, tại Vicem Bỉm Sơn có 157 sáng kiến được công nhận, với giá trị làm lợi 71,9 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến áp dụng thực tiễn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, như: Năm 2015, sáng kiến vận chuyển xi măng từ 8 si lô cũ sang các trạm đóng bao bằng băng tải đã được triển khai thực hiện. Trước đây, việc rút xi măng từ 8 si lô cũ sang các trạm đóng bao bằng hệ thống bơm buồng, sử dụng khí nén để vận chuyển. Đây là cách vận hành lạc hậu, tiêu hao điện năng lớn (6kWh điện/tấn xi măng được vận chuyển từ các si lô cũ sang trạm đóng bao mới và 10kWh điện/tấn xi măng vận chuyển sang trạm đóng bao cũ). Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, tăng mức tự động hóa, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, công ty đã triển khai dự án xây dựng băng tải vận chuyển xi măng bột từ 8 si lô cũ sang các trạm đóng bao bằng băng tải thay cho hệ thống vận chuyển bằng bơm buồng và khí nén trước đây. Công trình đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động khiến quá trình vận chuyển giảm tiêu hao điện năng xuống còn 0,5kWh điện/tấn xi măng.
Tháng 3-2019, Vicem Bỉm Sơn cũng đưa sáng kiến giải pháp quản lý để xã hội hóa công tác khai thác, bốc xúc, vận chuyển đá và vận chuyển sét vào áp dụng thực tiễn. Trước khi ứng dụng sáng kiến này, một số thiết bị khai thác và vận chuyển đá, sét của công ty đã xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn, hiệu quả hoạt động không cao. Vì vậy năm 2018, công ty đã thuê khoan nổ, bốc xúc, vận chuyển đá từ mỏ đá vôi Yên Duyên về công trình 22 với tỷ lệ thuê là 47%. Tuy nhiên, chi phí khai thác vận chuyển đá, sét vẫn còn cao. Với sáng kiến giải pháp quản lý để xã hội hóa công tác khai thác, bốc xúc, vận chuyển đá và vận chuyển sét, nhóm nghiên cứu đề tài đã nghiên cứu, điều chỉnh phạm vi công tác thuê ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tế (cả về mặt thiết kế, quy hoạch lại mỏ) và tiết giảm chi phí khai thác và vận chuyển. Từ đó, giảm chi phí khai thác và vận chuyển đá, sét về nhà máy. Nguồn nhân lực dôi dư của xưởng khai thác sẽ bố trí vào các vị trí đang thiếu hụt trong công ty hoặc về chế độ sớm. Giải pháp này đã mang lại giá trị làm lợi cho công ty gần 24,6 tỷ đồng.
Còn tại Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta, các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến kỹ thuật cũng được đảng ủy, ban giám đốc công ty đặc biệt quan tâm. Điển hình như đơn vị đã từng tự đầu tư tự cải tiến và thay đổi công nghệ sản xuất từ bóng da bò sang công nghệ sản xuất bóng đá bằng da nhân tạo. Với công nghệ mới này, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm được nâng lên rõ rệt từ độ bền, độ nảy, độ tròn, chu vi, độ thấm nước đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn FIFA. Đặc biệt, với đặc thù da nhân tạo giúp nhà sản xuất có cơ hội lựa chọn các màu nền, hoa văn, độ dày khác nhau để thiết kế mẫu mã sản phẩm. Sau khi chuẩn hóa và đưa vào ứng dụng, không những nâng cao công suất của nhà máy, công nghệ này còn giảm chi phí sản xuất tới 35.640 đồng/1 quả bóng.
Trong năm 2016, 2 tác giả Vũ Văn Kiên, Nguyễn Trọng Tín của Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta cũng đã chế tạo thành công công trình đầu tiên sản xuất viên nén chất đốt quy mô công nghiệp từ phế liệu nông, lâm nghiệp. Công trình đã đạt giải khuyến khích của Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec). Đại diện nhóm tác giả cho biết: Công trình được nghiên cứu, chế tạo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại doanh nghiệp, tại vùng nông nghiệp của huyện Hoằng Hóa nói riêng và thực trạng về vấn đề phụ phẩm nông nghiệp nói chung của cả nước. Tính mới được thể hiện rõ nét nhất trong công trình “Sản xuất viên nén từ phế liệu nông - lâm nghiệp làm nhiên liệu đốt lò hơi” đó là sử dụng 100% các loại phụ phẩm, phế thải nông - lâm nghiệp mà các vùng nông nghiệp thường là bỏ đi hoặc tự tiêu hủy bằng các phương pháp gây ra ô nhiễm môi trường, như: Tự đốt, vứt bỏ... Ngoài ra, công trình còn thể hiện được sự tính toán hợp lý về cấu trúc, kết hợp công nghệ, tái sử dụng tối đa năng lượng dư thừa trong nhà máy sẵn có. Đánh giá hiệu quả kinh tế công trình kỹ thuật mới với công trình đã áp dụng trước đó cho thấy, mỗi năm công ty tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài 2 đơn vị nói trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực khơi dậy các phong trào thi đua, sáng tạo, ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình sáng tạo có giá trị ứng dụng thực tiễn to lớn, đưa các doanh nghiệp vào vị thế đơn vị sáng tạo khoa học công nghệ. Điển hình, như: Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông với công trình “Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để hoàn thiện bộ sản phẩm dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông”; Công ty CP Mía đường Lam Sơn với các dự án nghiên cứu, sản xuất giống mía nuôi cấy mô... Trong đó, với vai trò dẫn dắt, đảng ủy các doanh nghiệp luôn thực hiện tốt công tác hoạch định những bước đi sáng tạo công nghệ, thôi thúc các đảng viên, người lao động tinh thần thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại đơn vị.
Tại Công ty Vicem Bỉm Sơn, đảng ủy công ty luôn xác định, phong trào sáng kiến cải tiến là một hoạt động xuyên suốt để tiếp tục tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm clinker và xi măng, giảm chi phí sửa chữa thuê ngoài, giảm sức lao động, giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu sử dụng để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Từ đó trong năm 2020 và những năm tiếp theo, công ty sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ từ công đoạn khai thác mỏ đến công tác xuất bán sản phẩm để tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, cải tiến trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, quản trị, nguồn nhân lực, logistic, an toàn, môi trường và ISO... Đại diện Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta cũng cho biết, hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh về khoa học công nghệ rất kịp thời và dễ tiếp cận, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất.