Sáng kiến, giải pháp trong mùa dịch bệnh

Xuất phát từ yêu cầu thực tế và mong muốn đóng góp cho cộng đồng trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều cá nhân, tổ chức đã phát huy sáng kiến, sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm, đồ dùng hữu ích ứng dụng trong môi trường làm việc, sinh hoạt.

Màng kính che mặt cho nhân viên y tế sử dụng khi làm việc tại bệnh viện

Ngành y tế tiên phong

Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh là đơn vị có nhiều hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tạo ra các mô hình, giải pháp mới, hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân thời điểm này. Bác sĩ (BS) Lê Thiện Hòa, Trưởng phòng Vật tư trang thiết bị y tế (Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh) đã chế tạo xe cung cấp thực phẩm và xe phun khử khuẩn điều khiển từ xa trong khu cách ly.

Sáng kiến ra đời trong điều kiện ngành y tế còn nhiều khó khăn như: vật tư y tế phòng dịch không đủ so với nhu cầu sử dụng; bấy giờ bệnh viện có 5 bệnh nhân đang cách ly theo dõi. Sau nghiên cứu, Phòng Vật tư trang thiết bị y tế đã cải tiến, sử dụng loại xe dành cho trẻ em chơi lắp ráp thành công xe điều khiển từ xa cung cấp thực phẩm và khử khuẩn. Xe chuyển thực phẩm có phạm vi điều khiển từ xa khoảng 100m, còn xe khử khuẩn sử dụng máy phun sương khử trùng nocospray chuyên dụng và hóa chất nocolyse cố định lên xe, gắn thêm bộ điều khiển, có thể sử dụng liên tục 60 phút mới sạc bình lại.

Hai sản phẩm được sử dụng trong khu cách ly giúp nhân viên y tế không phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và hóa chất, nhằm hạn chế lây nhiễm cũng như độc hại của hóa chất khử khuẩn; 1 ngày có thể tiết kiệm từ 5-10 bộ đồ phòng dịch, 10-20 khẩu trang và 10-20 găng tay, tương đương chi phí 1-2 triệu đồng/ngày.

Còn BS Nguyễn Kim Chi (Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang) cho biết, với mong muốn chung tay cùng xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Khoa Dược tìm hiểu công thức pha chế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi nghiên cứu, khoa tiến hành pha chế dung dịch nước rửa tay nhanh, sử dụng trong nội bộ bệnh viện. Sản phẩm sử dụng một số hóa chất, tinh dầu để pha chế, không gây dị ứng và không gây rủi ro cho con người và môi trường, tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ cho bệnh viện trong điều kiện cấp thiết hiện nay.

Cùng đơn vị, BS Trần Thị Thu Vân đã nghiên cứu, chế tạo màng che mặt hạn chế sự lây nhiễm qua tiếp xúc, góp phần cung cấp phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế. Màng che tạo ra từ miếng mica trong suốt, mút xốp mềm, dây thun dệt, keo nến (hoặc băng keo 2 mặt) và bấm giấy. Nhân viên y tế đeo màng che mặt khi tham gia sàng lọc, thăm khám và thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật trên người bệnh nghi ngờ hay nhiễm Covid-19. Nhiều bác sĩ tại các đơn vị khác có sáng kiến hữu ích tương tự được ứng dụng trong thời điểm này, như: máy sát khuẩn tay nhanh tự động, dung dịch rửa tay nhanh, kính bảo hộ ngăn giọt bắn…

Kết hợp “học” và “hành”

Không chỉ thực hiện tốt phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều học sinh còn tranh thủ trong thời gian nghỉ để vận dụng kiến thức học được vào thực hành, chế tạo các sản phẩm thiết thực góp phần vào việc phòng, tránh lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Tiêu biểu là máy rửa tay với nhiều dạng, kích cỡ được ra đời tại một số trường THPT. Vận dụng kiến thức môn Vật lý lớp 10, trong chương V, lý thuyết bài áp suất, nhóm học sinh gồm 6 em của Trường THPT Chu Văn An (Phú Tân) đã sáng chế thành công máy rửa tay. Ban đầu, máy có 2 phiên bản là cơ học và cảm biến.

Những mẫu đầu tay được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn Đỗ Lê Quốc Lập được ưu tiên bố trí trong khuôn viên trường cho thầy cô sử dụng. Ý tưởng và mọi thông tin trao đổi được nhóm kết nối với giáo viên, sau đó tập hợp cùng sản xuất. Về sau, máy được cải tiến ưu tiên phiên bản cảm biến để tiện lợi cho người sử dụng, gọn gàng và thẩm mỹ hơn.

Cấu tạo mỗi máy gồm: máy bơm phun, hộc chứa nguyên liệu, bộ điều áp, béc phun, cảm biến ánh sáng hay cảm biến hồng ngoại được thiết kế, lắp ráp vào khung sườn bằng ống nước. Đến nay, nhóm đã hoàn thành 6 máy rủa tay loại mới theo “đặt hàng” của các địa phương với hình dáng, kích thước khác nhau. Thầy Đỗ Lê Quốc Lập cho biết, chi phí vật liệu mỗi máy khoảng 650.000 đồng, các em chủ yếu ra công miễn phí, xem như góp chút công sức cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh, hoàn toàn không vì mục đích lợi nhuận hay kinh doanh.

Thời gian qua, Câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật Trường Cao đẳng Nghề An Giang tạo ra 2 sản phẩm mới, gồm: buồng khử khuẩn tự động và máy rửa tay tự động. Buồng khử khuẩn tự động có gắn cảm biến, khi có người đi qua sẽ tự động phun dung dịch khử khuẩn được pha chế sẵn ở dạng sương, khử khuẩn toàn thân nhanh trong vòng 30 giây. Dung dịch này đã được kiểm định và đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Còn máy rửa tay tự động với cảm biến hồng ngoại giúp người dùng không phải chạm vào bất cứ nút nào, chỉ cần đưa tay về phía vòi của máy, nước khử khuẩn tự động phun dạng sương giúp khử khuẩn tức thời…

Thầy Nguyễn Đức Tài (Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật của trường) cho biết, kinh phí sản xuất 1 máy rửa tay tự động khoảng 500.000-550.000 đồng/máy, còn buồng khử khuẩn chi phí 10-11 triệu đồng. Đó là phần chi phí vật tư, còn công lắp đặt, chế tạo, thành viên câu lạc bộ tình nguyện đóng góp miễn phí để hỗ trợ cho các đơn vị, vừa góp san sẻ với cộng đồng, vừa chung sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Những sáng kiến kịp thời trong mùa dịch bệnh của các cá nhân, tập thể đã được đơn vị, địa phương ghi nhận và sẽ biểu dương, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ kịp thời cho người có thành tích, đồng thời góp phần lan tỏa tinh thần “Chống dịch như chống giặc” trong xã hội.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/sang-kien-giai-phap-trong-mua-dich-benh-a269512.html