Sáng mãi ngọn cờ cách mạng trên quê hương Thái Ninh
PTĐT - Những ngày tháng Tám lịch sử tôi có dịp trở lại xã Thái Ninh huyện Thanh Ba, đây là một trong 4 địa phương thành lập được chi bộ đầu tiên của tỉnh (1939), góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến tay sai. Truyền thống lịch sử vẻ vang đó đã và đang được cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây giữ gìn, phát huy, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trong niềm tự hào của cái nôi cách mạng, đứng trước bức phù điêu nơi lưu giữ ngọn lửa cách mạng từ thuở sơ khai, bằng giọng kể đầy tự hào đồng chí Nguyễn Văn Ánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã lật từng trang lịch sử Đảng bộ xã: “Tháng 2-1941, Chi bộ đã treo cờ Đảng trên cây đa làng Thái Ninh. Giữa núi rừng bao la của Phú Thọ, lá cờ Đảng xuất hiện tung bay trong gió như vẫy gọi đồng bào ta đang sống dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến hãy giữ vững niềm tin và kêu gọi họ vùng lên đấu tranh để giải phóng mình...”. Từ khi chi bộ Thái Ninh được thành lập (tiền thân của Đảng bộ Thái Ninh) ngày nay đã lãnh đạo nhân dân vừa xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; đồng thời dốc sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (sau năm 1975); hàng trăm người con của quê hương đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số đó đã có 51 người con ưu tú hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất mẹ; 21thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường…
Từ chi bộ chỉ có 17 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 156 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ. Phát huy truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung xây dựng quê hương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Trong phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã ban hành nghị quyết chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn; thực hiện công tác dồn đổi ruộng đất; chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất cùng với các giống lúa lai cho năng suất cao... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển của xã, trong đó giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ. Đến nay số hộ đói không còn, hộ nghèo giảm dần, hộ khá, giầu ngày càng tăng; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, con em nhân dân trong xã có điều kiện học tập, trưởng thành và công tác ở mọi miền của tổ quốc và nước ngoài... Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm, các trường được xây dựng khang trang trong đó trường tiểu học đã đạt trường chuẩn quốc gia; trạm y tế được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn...Trong 10 năm trở lại đây Thái Ninh đã có bước phát triển đáng kể. Năm 2010, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 689,3 tấn. Năm 2018, với 114,45ha lúa, năng suất đạt 35,5 tạ/ha, sản lượng đạt 396,262 tấn; tổng sản lượng cây có hạt đạt 456,262 tấn; bình quân lương thực đạt 161,2kg/người. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ chủ trương tiếp tục đầu tư, tu sửa lại cơ sở hạ tầng như: Hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.Với truyền thống vùng quê cách mạng, đến nay Thái Ninh đã khoác lên mình tấm áo mới cho cuộc sống tốt đẹp hơn...