Santiago - thành phố đi đầu về điện khí hóa phương tiện giao thông công cộng

Năm 2023, 30% trong tổng số 7.000 xe buýt công cộng của thành phố Santiago, Chile là xe điện. Nhà chức trách đặt mục tiêu điện khí hóa 100% phương tiện công cộng vào năm 2035; 100% doanh số bán xe sẽ là loại xe không phát thải. Vậy đâu là yếu tố thành công cho hành trình điện khí hóa phương tiện ở thành phố này?

Khoảng 30% lượng xe buýt của Santiago, Chile hiện nay là xe điện và thành phố đặt mục tiêu đạt 100% điện khí hóa vào năm 2035

Khoảng 30% lượng xe buýt của Santiago, Chile hiện nay là xe điện và thành phố đặt mục tiêu đạt 100% điện khí hóa vào năm 2035

Lợi ích từ đầu tư xe buýt điện

Năm 2017, dự án điện khí hóa giao thông công cộng đầu tiên ở Santiago đã được đệ trình, mục tiêu là điện khí hóa 25% đội xe buýt vào năm 2025. “Họ không tin rằng điều đó khả thi”, ông Sebastian Galarza, Giám đốc điều hành Trung tâm Di chuyển Bền vững, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Santiago nhớ lại. Năm đó, cặp xe buýt điện đầu tiên đã xuất hiện trong thành phố.

Tại sao nên đầu tư vào xe buýt điện? Ông Galarza phân tích, ở nhiều quốc gia thuộc Mỹ Latinh, hành khách sử dụng hệ thống giao thông công cộng chủ yếu là người có thu nhập thấp, trong khi việc sở hữu ô tô điện cá nhân quá đắt đỏ. Trung tâm của ông Galarza khi đó bắt đầu tham gia dự án Đối tác triển khai xe buýt nhanh không phát thải (ZEBRA) được C40, một mạng lưới toàn cầu gồm gần 100 thị trưởng ở các thành phố trên toàn cầu, ra mắt vào năm 2019. “Việc tập trung vào phương tiện giao thông công cộng cho phép người dân bình thường có thể tận dụng những lợi ích mà phương tiện di chuyển bằng điện mang lại”.

Ông Marcelo Mena Carrasco - Bộ trưởng Bộ Môi trường Chile khi đó lý giải thêm, dự án được ủng hộ bởi thành phố Santiago tích hợp các chính sách về khí hậu và chất lượng không khí. Theo đó, chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí của Santiago bao gồm sự kết hợp của nhiều biện pháp giúp giảm 70% số “ngày không khí xấu” từ năm 2013. Trước đây, ô nhiễm không khí của thành phố này gây ra ít nhất 4.000 ca tử vong sớm mỗi năm, chủ yếu do hàm lượng hạt bụi mịn cao từ việc đốt củi để sưởi ấm và nấu ăn, cũng như khí thải từ phương tiện giao thông.

Điều này khiến ngành y tế Chile thiệt hại ít nhất 670 triệu USD. Đến năm 2015, chính quyền đã buộc 1.300 doanh nghiệp phải đóng cửa và 40% ô tô phải ngừng hoạt động do tình trạng khẩn cấp về môi trường. Đáng nói, hành khách di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng có nguy cơ tiếp xúc đáng kể với không khí ô nhiễm, nhưng xe buýt điện giúp họ giảm thiểu những tác động này.

Chiến lược khác biệt

Chile là nước nhập khẩu ròng công nghệ, nên họ phải có chiến lược khác khi thúc đẩy việc sử dụng xe điện. “Khi Trung Quốc hoặc Mỹ trợ cấp ô tô điện, họ cũng đang trợ cấp cho ngành công nghiệp nội địa của mình. Nhưng khi trợ cấp cho một chiếc ô tô điện cá nhân ở Chile, bạn đang trợ cấp cho một chiếc xe cao cấp, nghĩa là chỉ hỗ trợ những người có thu nhập cao. Trái lại, nếu đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng thì ý nghĩa hơn nhiều”, cựu Bộ trưởng Môi trường Mena Carrasco nhận định.

Theo ông Galarza, một yếu tố quan trọng khác là Bộ Giao thông Vận tải Chile đã sớm áp dụng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt nhất đối với các phương tiện nhập khẩu. Ngay từ năm 1991, Santiago đặt ra quy định về tuổi thọ trung bình của phương tiện thấp hơn nhiều so với các địa phương khác của Chile. Đến năm 2018, những xe không đạt tiêu chuẩn Euro V sẽ bị cấm hoạt động. Cùng với đó, xe chạy bằng dầu diesel phải chịu mức thuế phát thải cao hơn. Đối với xe buýt công cộng, Bộ trưởng Môi trường Mena Carrasco chỉ đạo, tất cả phải đáp ứng tiêu chuẩn xe buýt Euro VI. Sự khác biệt chính là tiêu chuẩn Euro VI bắt buộc phải có bộ lọc bụi mịn, điều này giúp giảm 90% lượng khí thải bụi mịn so với các tiêu chuẩn trước đó.

Khi đợt khuyến khích xe buýt điện diễn ra vào năm 2017, mức độ chênh lệch về đầu tư giữa xe buýt điện và xe buýt Euro VI được thu hẹp chỉ còn khoảng 50.000 USD. Điều đó có nghĩa là số tiền hoàn vốn sẽ nhanh hơn so với trước đây và lợi tức đầu tư từ xe buýt điện trở nên ưu thế hơn so với xe buýt chạy bằng dầu diese. “Đó là lý do tại sao đây là mô hình có thể nhân rộng để các quốc gia khác noi theo”, ông Mena Carrasco khẳng định.

Điểm quan trọng khác trong chiến lược của Chile là Bộ Giao thông vận tải cam kết họ sẽ thanh toán hóa đơn cho bên đầu tư nếu nhà điều hành xe buýt ngừng hoạt động hay không còn tồn tại. Cựu Bộ trưởng Môi trường Mena Carrasco cho biết thêm, việc duy trì thị trường mở cũng rất quan trọng để có thể nhập khẩu xe buýt điện với giá cả phải chăng nhất. “Chile có các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, EU và Mỹ. Chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp tiến tới mục tiêu giảm khí phát thải. Nếu mua xe buýt điện từ Trung Quốc rẻ hơn thì đó là điều chúng tôi nên làm”, ông Mena Carrasco nói.

Mô hình của Santiago đang được nhân rộng ra các thành phố khác ở Chile. Vào tháng 8-2023, 40 chiếc xe buýt điện đầu tiên đã đến Antofagasta, một thành phố ở phía Bắc Chile. Đây là một trong những đội xe buýt điện lớn đầu tiên được đầu tư bên ngoài Santiago. Ở góc độ châu lục, việc chính quyền thành phố Bogota, Columbia đứng ra bảo lãnh đã giúp thu hút các nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư vào hàng trăm nghìn xe buýt điện tại đây. Thành phố Sao Paolo của Brazil có thể cũng sẽ sớm đi theo hướng này.

Theo Govinsider.asia

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/santiago-thanh-pho-di-dau-ve-dien-khi-hoa-phuong-tien-giao-thong-cong-cong-post552651.antd