Sập một hầm, cả tuyến đường sắt ách tắc

Không chỉ lo hầm sập mà nhiều cây cầu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, hơn 200km đường sắt qua 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi do Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình quản lý có 50 cây cầu xây dựng từ những năm 1936-1939 chưa được gia cố, sửa chữa đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đang khai thác.

LTS: Tuyến đường sắt Bắc – Nam có 27 hầm trên địa bàn từ tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa. Các hầm, cầu đường sắt được xây dựng và đưa vào khai thác cách đây gần trăm năm. Trên tuyến có nhiều hầm và cầu hết niên hạn sử dụng. Trong mùa mưa bão, các đơn vị quản lý đường sắt đứng ngồi không yên trước tình trạng hầm, cầu đường sắt ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Đường sắt Bắc - Nam hiện chỉ có đường đơn, khi xảy ra sự cố trên tuyến thì cả tuyến phải điều chỉnh lịch chạy tàu cũng như tìm phương án ứng phó. Phóng viên Thanh Thắng/VOV-Miền Trung thực hiện loạt bài “Nỗi lo sạt lở hầm, cầu đường sắt đoạn qua miền Trung”.

Bài 1: Sập một hầm, cả tuyến đường sắt ách tắc

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh quản lý tuyến đường sắt qua 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khẳng định, các hầm đường sắt đã có thời gian khai thác, sử dụng lâu năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Tầng địa chất tại khu vực này bị phong hóa lâu ngày cùng với thời tiết thường xuyên có mưa dẫn đến lớp đất, đá trên hầm mềm nhão, không ổn định, dễ sập đổ bất cứ lúc nào: “Tất cả các hầm đường sắt đã được xây dựng từ thời Pháp đến bây giờ rất nhiều hầm yếu như Chí Thạnh, Bãi Gió. Chúng tôi cũng đang có kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải, lên Chính phủ bố trí nguồn vốn để kiên cố hóa các hầm còn lại. Nếu xảy ra sự việc không mong muốn như hầm đường sắt Bãi Gió, Chí Thạnh là phải huy động nhân lực, vật lực để cứu chữa, khắc phục một cách nhanh nhất sớm để thông tàu, phục vụ công tác vận tải”.

Hầm đường sắt Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Hầm đường sắt Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình quản lý đoạn đường sắt đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Trên tuyến có 2 hầm đường sắt Phủ Cũ và Bình Đê. Hầm đường sắt Phủ Cũ đã được sửa chữa, gia cố ổn định. Hầm đường sắt Bình Đê đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu. Hầm Bình Đê nằm giữa 2 tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi được xây dựng đưa vào khai thác từ năm 1936, chiều dài hầm 270m. Kết cấu áo hầm bằng đá tự nhiên, từ lúc xây dựng đến nay chưa được gia cố, sửa chữa. Bằng mắt thường có thể thấy rõ vỏ hầm bị nứt nẻ, phong hóa khá mạnh. Vỏ hầm này bị nước thấm chảy vòng trong đường sắt. Đặc biệt, tại vị trí Km 997+877 vỏ hầm đá tự nhiên trên đỉnh xuất hiện các vết nứt dọc tới tim đường sắt, vết nứt có nguy cơ tách thành mảng lớn rơi xuống lòng đường sắt. Còn tại đoạn Km 998+07 trên đỉnh hầm nứt dọc theo tim đường sắt dài 2,5m, rộng 0,5mm, nước thấm chảy vào đường sắt, vào mùa mưa nước chảy thành dòng. Những vết nứt này là mối nguy hiểm, không bảo đảm an toàn đường sắt.

Khi xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, công nhân thức suốt đêm để khắc phục sự cố.

Khi xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, công nhân thức suốt đêm để khắc phục sự cố.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình lo lắng, hầm đường sắt Bình Đê có 6 điểm nứt. Công ty Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình đã có báo cáo hiện trạng và lập phương án xin gia cố, sửa chữa và đang chờ phê duyệt, phân bổ kinh phí: “Hiện tại có vết nứt vẫn đáng lo. Các vị trí nứt cần gia cố khoảng 100m. Đối với hầm này, trước mùa mưa bão sẽ thấm nước nhiều hơn, tạo khe chảy nước, tạo sự sụt trượt của các khối đá tự nhiên thì nguy cơ rất cao. Các vết nứt này xuất hiện theo thời gian từ 5 đến 7 năm trở lại đây. Vết nứt ban đầu ít và lớn dần lên trong hầm. Đơn vị cũng đề xuất một số kiến nghị gia cố khẩn cấp bằng khung thép, dựng khung thép để nâng đỡ, chủ yếu bằng biện pháp đó, kiểm tra theo dõi thường xuyên, thậm chí kiểm tra đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu”.

Không chỉ lo hầm sập mà nhiều cây cầu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, hơn 200km đường sắt qua 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi do Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình quản lý có 50 cây cầu xây dựng từ những năm 1936-1939 chưa được gia cố, sửa chữa đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đang khai thác. Một số cây cầu thời gian khai thác quá lâu, dầm, mố trụ có hiện tượng phong hóa, lộ cột thép. Những cầy cầu xuống cấp có chiều dài từ 1,5m đến hơn 100m, một số cây cầu bắt qua sông mùa mưa nước lớn có dòng chảy mạnh.

Cửa hầm phía Bắc hầm đường sắt Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Cửa hầm phía Bắc hầm đường sắt Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Cầu Trà Câu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trên đường sắt Bắc - Nam dài 92m đang xuống cấp nghiêm trọng. Cầu này được xây dựng năm 1936, kết cấu trụ bê tông với 9 nhịp (3 nhịp bê tông, 6 nhịp thép). Trụ T1, T2 bị phong hóa nặng và hết niên hạn sử dụng.

Ông Lữ Đình Bé, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình cho biết, tại các cầu yếu hàng ngày có lực lượng tuần đường kiểm tra; hàng quý, công ty phúc tra cầu đường để kiểm tra tổng quát, tổng thể các cầu xuống cấp: “Cầu Trà Câu thi công phần trụ đây là móng nông mà dòng chảy của sông Trà Câu lưu lượng mùa mưa rất dễ gây xói lở ảnh hưởng tới trụ cầu. Cầu này đã thi công xây dựng từ thời Pháp, họ đã xây dựng từ trước rồi, sau này mình có gia cố lại đóng trụ rây, bỏ đá hộc để chống xói. Phương án gia cố đó tạm thời thôi chứ nó không có triệt để. Nếu muốn triệt để, đối với kết cấu cầu như thế này thì phải làm mới lại, khoan cọc nhồi hoặc móng cọc xây dựng mới kiên cố được. Kết cấu móng nông không đảm bảo được lâu dài”.

Theo Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có 27 hầm được xây dựng cách đây gần 100 năm, chủ yếu ở khu vực miền Trung. Trong đó, tỉnh Quảng Bình có 5 hầm, đèo Hải Vân 9 hầm, Bình Định 2 hầm, các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa 11 hầm. Kết cấu các hầm đường sắt ở miền Trung đều giống nhau, có những hầm đi qua kết cấu đá thì không có vỏ hầm, những hầm đi qua địa chất yếu thì có vỏ hầm.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Ngành đường sắt ưu tiên duy tu bảo dưỡng, kịp thời phát hiện những hư hỏng. Trong mùa mưa bão, ngành chú trọng công tác đảm bảo an toàn chạy tàu: “Trước mùa mưa bão, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp liên quan kết cấu hạ tầng phải rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu và chúng tôi bắt đầu xây dựng các doanh mục để chuẩn bị các vật tư và thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có gián đoạn chạy tàu. Trong quá trình mưa bão bao giờ cũng có phân công trực chốt để các chuyến tàu luôn được thông suốt. Về lâu dài, chúng tôi đã có rà soát và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phân loại ra, cái gì trước mắt cần đầu tư thì sẽ sử dụng các nguồn vốn để triển khai ngay. Cái gì dài hơi thì phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2026-2030”.

Thời gian qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành sửa chữa được 15 hầm, hiện còn 12 hầm đường sắt qua khu vực miền Trung xuống cấp đang được đưa vào đầu tư trung hạn để sửa chữa. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có 94 cây cầu và 14 công trình kiến trúc xuống cấp nặng cần được sửa chữa, tránh xảy ra sự cố ảnh hưởng đến việc chạy tàu.

Ngành đường sắt cần thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo an toàn chạy tàu trong khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao đang được Quốc hội xem xét về chủ trương đầu tư.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này trongBài 2: Không để xảy ra sự cố sập hầm, dừng tàu vận tải.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sap-mot-ham-ca-tuyen-duong-sat-ach-tac-post1131075.vov