Sau 15 năm chờ đợi, TP.HCM đã có Trung tâm tim mạch trẻ em

Trải qua các thời kỳ lãnh đạo thành phố, lãnh đạo bệnh viện, Trung tâm tim mạch trẻ em TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3/6/2022.

Sáng 3/6/2022, Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chính thức đi vào hoạt động. "Hơn 15 năm, ước vọng đã thành sự thật", một bác sĩ cảm thán.

PGS.BS Vũ Minh Phúc, Nguyên trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ, năm 2004, khoa chỉ có một vài nhân sự, máy móc không có gì trong tay. Chị được lãnh đạo bệnh viện thời kỳ bấy giờ "đặt hàng" chăm lo cho trẻ em mắc tim bẩm sinh. Khi đó, mổ tim trẻ em vô cùng khó, chỉ Viện tim TP triển khai nhưng không nhiều.

Năm 2007, ca phẫu thuật tim hở đầu tiên được Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện thành công vào ngày quốc tế thiếu nhi. Sau đó là thông tim can thiệp, phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh, can thiệp điện sinh lý... Ở một khoa phòng chật chội, chứng kiến trẻ nhỏ phải chờ đợi mòn mỏi đến lượt mổ tim, các bác sĩ đã mơ ước về một trung tâm chuyên sâu tim mạch nhi.

Tòa nhà Trung tâm Tim mạch trẻ em TP.HCM

“Nếu tăng thêm 1 giường hồi sức sau mổ tim, mỗi năm chúng ta có thể phẫu thuật thêm cho 100 trẻ. Ở Trung tâm tim mạch mới này có thêm 20 giường, so với khu cũ là 5 giường hồi sức, như vậy năng lực mổ có thể gấp 4 lần”, PGS Phúc dẫn chứng.

PGS Vũ Minh Phúc chia sẻ, trẻ mổ tim hiện nay không phải lo lắng về viện phí vì có sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, các quỹ từ thiện, công tác xã hội; nhiều bệnh viện triển khai mổ tim trẻ em. Vấn đề là năng lực, chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu.

“Về giấy tờ, Bệnh viện Nhi đồng 1 sau 15 năm đã hình thành Trung tâm tim mạch, nhưng nếu nói về mong muốn và ý tưởng, thực sự là rất lâu về trước chúng tôi đã mong mỏi”, PGS Phúc nói.

Nhiều người còn nhớ rõ, đêm trước khi thực hiện ca mổ tim hở đầu tiên, cơn mưa đổ xuống khiến căn phòng ngập nước. Các bác sĩ đã được điều động tạt nước, khử khuẩn để ca mổ diễn ra theo đúng kế hoạch. Đó là câu chuyện của quá khứ.

Còn hiện tại, Trung tâm Tim mạch trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 1 gồm các khoa Nội tim mạch, Ngoại tim mạch, Đơn vị thông tim-điện sinh lý, Hồi sức ngoại, Hồi sức tim. Mục tiêu không chỉ là chăm sóc sức khỏe trẻ em tim bẩm sinh, bệnh lý tim mạch của TP.HCM mà của cả nước và ngang tầm khu vực Đông Nam Á.

Chứng kiến sự phát triển và đổi thay này, bà Võ Kim Sa, 78 tuổi, điều dưỡng của bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ, đây là hiện thực không ngờ. Bà Sa nghỉ hưu gần 20 năm trước, nhưng vẫn tiếp tục ở lại làm việc, tận hiến với nghề.

“Ngày hôm nay, ai cũng vui. Mỗi thời có một điều kiện khác nhau, bệnh viện khó khăn lắm nhưng bác sĩ, nhân viên y tế đều thương yêu bệnh nhi. Mình cứ nghĩ các bé là con cháu mình và tận tình chăm sóc. Khi Trung tâm khang trang như thế này, nhân viên y tế sẽ có điều kiện để phát triển, bệnh nhi được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn. Tôi bồi hồi lắm!”, điều dưỡng Kim Sa chia sẻ.

Bé sơ sinh từng được phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Tư liệu BV.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh viện đã phẫu thuật tim cho hơn 5.000 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, hơn 8.000 trẻ được thông tim can thiệp. Khi chương trình mổ tim kín ra đời, tỷ lệ tử vong vì tim bẩm sinh đã hạ từ 7,7% xuống còn 2,95%. Với chương trình phẫu thuật tim hở và thông tim can thiệp, tỷ lệ tử vong bệnh tim bẩm sinh kể từ năm 2018 chỉ còn dưới 1%.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng khẳng định, ngoài kế thừa các kỹ thuật hiện có, Trung tâm tim mạch sẽ tiến tới giải quyết hết tất cả các bệnh lý tim phức tạp nhất. Đặc biệt, sẽ triển khai thành công kỹ thuật ghép tim trẻ em trong thời gian tới.

Công trình này nhận được sự quan tâm đặc biệt sâu sát của lãnh đạo UBND TP.HCM các thời kỳ. Trong đó, ông Lê Hòa Bình- nguyên Phó Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp Bệnh viện từ những ngày đầu xây dựng với mong muốn thấy công trình sớm đi vào phục vụ bệnh nhi. Ông Lê Hòa Bình qua đời trong một tai nạn giao thông vào tháng 3/2022.

Trước đó, năm 2016, Hội đồng nhân dân TP. HCM đã phê duyệt chủ trương xây mới 3 khối nhà tại bệnh viện bằng kinh phí từ nguồn ngân sách của thành phố gồm Trung tâm Tim mạch trẻ em, Trung tâm Ngoại khoa và Trung tâm Sơ sinh. Tháng 4/ 2022 vừa qua, chủ trương xây mới Trung tâm Bệnh lý nhiệt đới cũng đã được phê duyệt.

Đến cuối năm 2019, cả 3 khối nhà bắt đầu khởi công xây dựng và thi công xuyên suốt cả trong mùa dịch Covid-19 và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/6/2022.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sau-15-nam-cho-doi-tp-hcm-da-co-trung-tam-tim-mach-tre-em-2026209.html