Sâu, bệnh gây hại muộn, nông dân chủ động phòng, trừ

Từ giữa tháng 8, thời tiết trên địa bàn tỉnh có xu hướng mát dần, mưa dông nhiều hơn. Năm nay thời tiết chuyển mát muộn hơn năm 2020, nên dự báo sâu, bệnh cũng sẽ gây hại muộn hơn cùng kỳ.

Vụ lúa mùa năm 2021, các địa phương gieo cấy 23.700 ha lúa, trong đó có hơn 11.000 ha lúa mùa sớm trên ruộng 1 vụ vùng cao. Hiện nay, lúa 1 vụ vùng cao trà sớm đã ngậm sữa - chắc xanh - đỏ đuôi, trà sau làm đòng - trỗ; lúa mùa vùng thấp trong giai đoạn đẻ nhánh, trà sớm đẻ nhánh rộ - đứng cái. Cây lúa cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt.

Nông dân xã Xuân Giao (Bảo Thắng) phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Nông dân xã Xuân Giao (Bảo Thắng) phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Theo ghi nhận của các địa phương, trên các trà lúa vùng thấp, bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 9 ha tại huyện Mường Khương; bệnh nghẹt rễ diện tích nhiễm 22 ha tại huyện Mường Khương và thành phố Lào Cai; sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm 13 ha tại các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai; ốc bươu vàng diện tích nhiễm 8 ha tại huyện Mường Khương; rầy, ruồi đục nõn, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bạc lá - đốm sọc vi khuẩn… gây hại rải rác.

Thời điểm này, các trà lúa mùa vùng thấp đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái. Đây cũng là thời điểm cây lúa cần nhiều dinh dưỡng cho sự phát triển, chuẩn bị bước sang giai đoạn trỗ vào tháng tới. Để cây lúa phát triển tốt, giai đoạn này, người dân cần bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng việc bón thúc.

Chị Lương Ngọc Bích, thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ (Bát Xát) cho biết: Sau khi cấy khoảng 1 tháng, tôi thường bón thêm đạm, dọn sạch cỏ dại cho lúa phát triển. Hằng năm, thời điểm này là lúc sâu, bệnh gây hại mạnh nên tôi tích cực thăm đồng. Tuy nhiên đến nay, tôi thấy lúa khá tốt, chưa có dấu hiệu của sâu, bệnh nhưng tôi không chủ quan bởi chỉ cần lơ là 1 - 2 tuần cũng có thể mất mùa vì không phòng, trừ kịp.

Theo ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời tiết năm nay chuyển mát, mưa dông muộn hơn năm trước nên các đối tượng sâu, bệnh cũng sẽ gây hại muộn hơn so với cùng kỳ năm 2020. Thời điểm đầu vụ sản xuất, trên địa bàn tỉnh có nắng nóng, không phù hợp cho sâu cuốn lá nhỏ phát triển. Khi chuyển mưa mát, sâu cuốn lá nhỏ có thể sẽ gây hại mạnh. Vụ mùa năm 2020, sâu cuốn lá nhỏ gây hại mạnh nhất vào thời điểm 15/8, còn năm nay dự kiến có đợt sâu gây hại trên diện rộng vào cuối tháng 8. Các đối tượng rầy dự báo cũng gây hại muộn hơn, vào khoảng đầu tháng 9. Ngoài ra, từ 10/9 trở đi, khi cây lúa bắt đầu trỗ, nếu mưa dông nhiều, se lạnh thì bà con cần đặc biệt cảnh giác với bệnh đạo ôn cổ bông gây hại, có thể ảnh hưởng rất lớn tới năng suất lúa.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tuy thời điểm này các đối tượng sâu, bệnh hại lúa chưa phát sinh trên diện rộng, chỉ gây hại rải rác nhưng bà con cần lưu ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại. Khi lúa bị nhiễm bệnh, xuất hiện các loại sâu, rầy cần khẩn trương áp dụng các biện pháp phun phòng trừ trên diện tích lúa đã nhiễm và khu vực lân cận, khoanh vùng, tránh lây lan trên diện rộng. Diễn biến thời tiết những năm gần đây tương đối thất thường, bà con cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết, dự báo của các cơ quan chuyên môn để chủ động phòng, trừ sâu, bệnh trên các trà lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn, bón phân bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc lúa phù hợp theo từng thời điểm…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346403-sau-benh-gay-hai-muon-nong-dan-chu-dong-phong-tru