Sau lạm phát, nắng nóng giáng thêm đòn vào các nền kinh tế toàn cầu

Khi Anh, Mỹ và lục địa châu Âu vừa chìm trong những đợt nắng nóng kỷ lục, các nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng, theo CNA.

Hàng trăm triệu người đã phải vật lộn để tránh nóng khi nhiệt độ tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ và lục địa Châu Âu tăng cao kỷ lục. Tại Vương quốc Anh, nhiệt độ đã đạt mức cao nhất 40 độ C vào thứ Ba tuần trước (ngày 19/7), mức cao nhất từng được ghi nhận.

Trong khi thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng tới rất nhiều người ở mức độ cá nhân, nó cũng có tác động đáng kể đến các nền kinh tế trên quy mô lớn trên 4 khía cạnh chính.

Đe dọa tăng trưởng kinh tế

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nắng nóng khắc nghiệt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nền kinh tế tại nhiều bang của nước Mỹ có xu hướng phát triển với tốc độ chậm hơn trong mùa hè tương đối nóng. Dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế hàng năm giảm 0,15 đến 0,25 điểm phần trăm tương ứng với 1 độ F (0,56 độ C) nhiệt độ mùa hè cao hơn mức bình thường.

Thời tiết khắc nghiệt năm nay đã ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia. Ảnh: AP.

Thời tiết khắc nghiệt năm nay đã ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia. Ảnh: AP.

Người lao động trong các ngành tiếp xúc với thời tiết nắng nóng như xây dựng sẽ làm việc ít giờ hơn khi trời nóng hơn. Bên cạnh đó, nhiệt độ mùa hè cao hơn cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng trong nhiều ngành có xu hướng liên quan đến công việc trong nhà, như bán lẻ, dịch vụ và tài chính. Người lao động cũng kém năng suất hơn khi trời nóng hơn.

Làm giảm thu hoạch mùa màng

Trong khi đó, ngành nông nghiệp rõ ràng là phải tiếp xúc và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết khi hầu hết cây trồng đều phát triển ngoài trời.

Mức nhiệt độ lên đến khoảng 85F đến 90F (29 độ C đến 32 độ C) được coi là có lợi cho sự phát triển của cây trồng, tuy nhiên, sản lượng sẽ giảm mạnh khi nhiệt độ tăng cao hơn nữa. Một số loại cây trồng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiệt độ khắc nghiệt như ngô, đậu tương và bông.

Việc giảm sản lượng này có thể gây tốn kém cho nông nghiệp nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự nóng lên toàn cầu thêm 2 độ C sẽ làm giảm lợi nhuận của đất canh tác ở miền đông nước Mỹ. Một minh chứng điển hình cho nghiên cứu này là sự sụt giảm năng suất lúa mì khi Nga gặp phải đợt nắng nóng khắc nghiệt năm 2010. Thời điểm đó, đây cũng là một nguyên nhân làm tăng giá lúa mì trên toàn thế giới.

Gia tăng sử dụng năng lượng

Khi trời nóng, việc sử dụng năng lượng sẽ tăng lên khi người dân và doanh nghiệp đều chạy máy điều hòa không khí và các thiết bị làm mát khác ở mức tối đa.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy chỉ cần thêm một ngày với nhiệt độ trên 90 F (32 độ C) sẽ làm tăng mức sử dụng năng lượng hàng năm của hộ gia đình lên thêm 0,4%. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc sử dụng năng lượng tăng nhiều nhất ở những nơi có xu hướng nóng hơn, có thể là do nhiều hộ gia đình có điều hòa nhiệt độ hơn.

Và việc gia tăng sử dụng điện năng vào những ngày nắng nóng cũng tạo nên sức ép cho lưới điện quốc gia, như đã thấy ở California và Texas, Mỹ trong các đợt nắng nóng vừa qua.

Khi hệ thống điện năng quá tải, tình trạng mất điện, cắt điện sẽ diễn ra – điều có thể gây tốn kém cho nền kinh tế, vì tồn kho thực phẩm và các hàng hóa khác có thể bị hỏng và nhiều doanh nghiệp phải chạy máy phát điện hoặc đóng cửa. Ví dụ, việc mất điện ở California năm 2019 gây thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ USD.

Giáo dục và thu nhập cũng chịu ảnh hưởng

Tác động lâu dài của thời tiết ngày càng nóng hơn cũng ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ em và do đó ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai của chúng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời tiết nắng nóng trong năm học sẽ làm giảm điểm thi. Điểm toán ngày càng giảm khi nhiệt độ tăng lên trên 70F (21 độ C) và điểm đọc có khả năng chống chịu với nhiệt độ cao hơn. Kết luận này là phù hợp với cách các vùng khác nhau của não sẽ phản ứng với nhiệt độ ở mức khác nhau.

Một nghiên cứu cũng đánh giá rằng học sinh ở các trường thiếu điều hòa sẽ học ít hơn 1% trong mỗi lần nhiệt độ trung bình của năm học tăng lên 1 độ F. Thêm vào đó, học sinh thiểu số bị ảnh hưởng đặc biệt bởi những năm học nóng hơn, vì trường học của các em có nhiều khả năng thiếu điều hòa không khí.

Về lâu dài, kết quả học tập bị sa sút dẫn đến thu nhập tương lai thấp hơn và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trên thực tế, tác động của nhiệt độ cực cao đối với sự phát triển đã bắt đầu trước khi chúng ta được sinh ra. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trưởng thành tiếp xúc với nhiệt độ quá cao khi còn là bào thai kiếm được ít tiền hơn trong suốt cuộc đời của họ. Trong thời gian bào thai, chịu nắng nóng với nhiệt độ trung bình trên 90 F (32 độ C) thêm ngày nào sẽ giảm đi tương ứng 0,1% thu nhập của 30 năm sau.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/sau-lam-phat-nang-nong-giang-them-don-vao-cac-nen-kinh-te-toan-cau-20220725100404221.htm