Sau vụ nam sinh viên Grab bị giết hại: Tài xế chỉ ra những 'lỗ hổng' trong nghề xe ôm công nghệ

Theo các tài xế, lỗ hổng lớn nhất là tài xế bỏ ứng dụng tìm khách để bắt khách dọc đường.

Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là lái xe có thể tìm được khách hàng của mình. Chính bởi sự hiện đại, tối ưu và linh hoạt nên xe ôm công nghệ được coi là giải pháp tối ưu cho các sinh viên hành nghề để kiếm thêm thu nhập.

Thế nhưng, vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra khi nam sinh viên chạy Grab tại Hà Nội bị sát hại đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo những rủi ro, nguy hiểm đối với người hành nghề này. Những bất trắc các tài xế có thể gặp không chỉ đến từ một số đối tượng khách hàng mà còn cả khi lưu thông trên đường.

Anh Lại Xuân Huy cho biết, có 2 rủi ro luôn rình rập tài xế công nghệ là rủi ro từ khách hàng và tai nạn giao thông.

Anh Lại Xuân Huy cho biết, có 2 rủi ro luôn rình rập tài xế công nghệ là rủi ro từ khách hàng và tai nạn giao thông.

Anh Lại Xuân Huy (30 tuổi, xe ôm công nghệ ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Có 2 rủi ro mà người hành nghề xe ôm công nghệ có thể gặp phải là va chạm giao thông trên đường và sự cố từ phía khách hàng. Rủi ro khi đi trên đường thì bản thân tài xế có thể kiểm soát được nhưng rủi ro về yếu tố khách hàng thì khó có thể kiếm soát, thường chỉ mang tính hên xui".

Theo anh Huy, khi khách hàng đặt xe với mục đích xấu thì chắc chắn khó lường trước được các rủi ro có thể xảy ra như bị cướp bóc, trấn lột tài sản, thậm chí là hành hung, sát hại.

Anh Lại Xuân Huy chia sẻ với PV.

Anh Lại Xuân Huy chia sẻ với PV.

Ông Trương Văn Toàn (45 tuổi) – người có nhiều năm hành nghề xe ôm công nghệ chia sẻ, bản thân ông cũng từng có những khách hàng yêu cầu chở đến điểm hoang vắng giữa đêm nhưng nhận thấy yếu tố nguy hiểm, ông Toàn đều nhanh chóng liên hệ tổng đài để báo cáo.

Ông Toàn cho biết: "Khoảng tháng 2/2019, khách đặt hành trình từ khu vực cầu Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đi cầu Bắc Hưng Hải, gần Ecopark (sát địa phận tỉnh Hưng Yên). Tới điểm cầu Bắc Hưng Hải thì khách nhờ tôi chở vào trong công trường, lúc đó là khoảng hơn 8h tối. Nhận thấy sự nguy hiểm đang rình rập nên tôi từ chối là chỉ chở đến điểm hiện trên ứng dụng điện thoại.

Bất ngờ, khách hàng đó gọi thêm vài người nữa trong công trường ra để uy hiếp tôi. Để đảm bảo an toàn cho mình thì tôi không lấy tiền của khách. Sau đó, tôi gọi thẳng lên số hotline của Grab để báo cáo sự việc. Ngay lập tức nhân viên tổng đài xác định được vị trí của tôi và yêu cầu đề cao sự an toàn bằng cách không lấy tiền của khách và sớm di dời khỏi vị trí đó".

Vụ việc nam sinh viên chạy Grab bị giết hại lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo hàng ngàn rủi ro đang bủa vây những tài xế công nghệ, trên con đường mưu sinh của họ.

Vụ việc nam sinh viên chạy Grab bị giết hại lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo hàng ngàn rủi ro đang bủa vây những tài xế công nghệ, trên con đường mưu sinh của họ.

Nhắc đến vụ việc đau lòng vừa xảy ra với nam sinh viên chạy Grab bị giết hại ở Cổ Nhuế, ông Toàn không khỏi sợ hãi. Bởi theo ông Toàn, hiện nay đang tồn tại hiện tượng tài xế tìm khách hàng bằng hai hình thức là qua ứng dụng trên điện thoại và bỏ ứng dụng điện thoại để vẫy khách dọc đường.

"Hai hình thức bắt khách này đều nguy hiểm cả. Nếu tài xế tìm khách qua ứng dụng thì khi xảy ra bất trắc, ngay lập tức, tổng đài sẽ kiểm tra được lịch sử hành trình di chuyển chuyến khách cuối cùng. Còn gạt bỏ ứng dụng để bắt khách dọc đường thì khi xảy ra bất trắc, tài xế sẽ phải chịu hậu quả một mình mà không một bên liên quan nào cùng chịu trách nhiệm", ông Toàn nêu quan điểm.

Ông Toàn thẳng thắn, qua vụ tài xế Grab bị giết hại ở Cổ Nhuế, các tài xế đang hành nghề xe ôm công nghệ cần cảnh tỉnh, coi đó là bài học để đưa vấn đề an toàn cho chính bản thân mình lên hàng đầu.

Chị Phạm Ái Liên - một nữ tài xế 30 tuổi - cho biết, phụ nữ hành nghề xe ôm công nghệ có nguy cơ gặp nguy hiểm hơn nam giới, nhất là với những những người còn khá trẻ tuổi.

Chị Liên chia sẻ: "Vừa tuần trước, tôi chở một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi. Người đàn ông này cứ yêu cầu tôi là phải đi vào ngõ bên này, rẽ vào ngách bên kia. Lúc đó, người này bảo tôi chở cố vào ngõ rồi sẽ trả thêm tiền. Đến khi vào trong ngõ sâu thì anh ta lại gạ tình tôi bằng những lời nói rất khiếm nhã. May mắn thời điểm đó là ban ngay nên tôi nhanh chóng rời đi nhưng thực sự là không kìm nén được sự bức xúc".

Nguy cơ bị quấy rối tình dục là rủi ro khiến các nữ tài xế công nghệ luôn lo lắng.

Nguy cơ bị quấy rối tình dục là rủi ro khiến các nữ tài xế công nghệ luôn lo lắng.

Vừa bức xúc kể lại câu chuyện của mình, chị Liên cũng không ngần ngại nhắc đến trường hợp của chị bạn mình đã vô tình chở phải hàng cấm.

"Chị này cùng ở trong đội của em, nhận chuyển hàng cho khách ở Hà Nội đi ngoại tỉnh thì vô tình vận chuyển phải hàng cấm, chị ấy không hề biết. Nhưng rất may là bằng linh cảm nhạy bén, chị ấy nghi ngờ hàng hóa mình nhận chở nên báo cho đội trưởng. Sau đó thì chị bạn báo lên lực lượng chức năng và lực lượng chức năng đã đi theo để giải cứu cho chị ấy thành công", chị Liên cho hay

Chết oan, nguy cơ bị quấy rối tình dục, tai nạn giao thông, thậm chí là vô tình vướng vòng lao lý… là những rủi ro mà các tài xế xe ôm công nghệ phải đối mặt hàng ngày.

Để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất khi chạy xe công nghệ, mỗi người đều cần phải trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết khi hành nghề xe ôm.

Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: "Vụ việc tài xế Grab bị sát hại ở Cổ Nhuế vừa xảy ra có thể thấy, nạn nhân đã dự cảm được điều xấu sắp xảy ra với mình, bằng cách là chụp hình lại hai vị khách mình sắp chở và gửi cho bạn. Hành động này có thể thấy, tài xế đã có linh tính nhạy bén với những đối tượng khách hàng của mình.

Nghề nào cũng có những rủi ro nhất định. Ngoài việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cho mình thông qua học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thì còn có một yếu tố không thể thiếu là sự nhạy cảm của mỗi tài xế.

Trong mọi tình huống xấu xảy ra, tài xế công nghệ đều rơi vào thế bị động. Để ngăn chặn sự cố xấu nhất thì ngay từ đầu, tài xế cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là vào ban đêm. Tài xế công nghệ không nên đón khách dọc đường (khách không đặt hành trình qua ứng dụng) và phải sẵn sàng từ chối các cuốc khách có biểu hiện khả nghi.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/sau-vu-nam-sinh-vien-grab-bi-giet-hai-tai-xe-chi-ra-nhung-lo-hong-trong-nghe-xe-om-cong-nghe-20191003125751879.htm