Sẻ chia giọt máu hiếm cứu người

Hạnh phúc đến từ sự sẻ chia những giọt máu hiếm. Đây là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào mà những người mang trong mình dòng máu hiếm đặt ra cho mình.

Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Hải Dương được ra mắt vào ngày 13/10/2024

Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Hải Dương được ra mắt vào ngày 13/10/2024

Đâu cần là có

Trong buổi sáng cuối thu, tôi có dịp gặp vài thành viên trong Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Hải Dương. Hơn ai hết, những người mang trong mình dòng máu hiếm (Rh-) hiểu rằng, nếu gặp rủi ro mà không có người cho máu thì cơ hội giành lại sự sống rất mong manh.

Chỉ cần một cuộc điện thoại kêu gọi, các thành viên của Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm sẵn sàng gạt hết mọi công việc, lên đường hiến máu cứu người. Họ là người hiểu nhất giá trị của những đơn vị máu quý giá ấy. Gặp gỡ, tiếp xúc với những người mang dòng máu hiếm mới cảm nhận được hạnh phúc từ những sự sẻ chia ấy.

Mỗi lần nhận được điện thoại của bệnh viện, chị Nhâm lại vội vã lên đường hiến máu (ảnh do nhân vật cung cấp)

Mỗi lần nhận được điện thoại của bệnh viện, chị Nhâm lại vội vã lên đường hiến máu (ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 2013, khi sinh cháu đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, chị Lê Thị Nhâm ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc (Thanh Hà) mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm B (Rh-). Khi nghe bác sĩ tư vấn và cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra khi mang nhóm máu hiếm, chị Nhâm hoang mang và lo lắng. Bởi dù đã từng có thời gian làm nữ hộ sinh nhưng chị chưa từng nghe về nhóm máu hiếm. Rất may mắn, lần sinh đầu mẹ con chị Nhâm "vượt cạn" an toàn.

Sau sinh, sức khỏe ổn định chị bắt đầu lên mạng, tìm hiểu về nhóm máu hiếm và biết rằng tỷ lệ người có nhóm máu hiếm này ở Việt Nam rất ít. Điều này sẽ bất lợi cho mình vì khi mình cần truyền máu sẽ không có sẵn. Vì thế chị tiếp tục mày mò, tìm hiểu để tham gia các hội, nhóm máu hiếm. Đến nay chị đã có 3 lần chia sẻ dòng máu hiếm để cứu người. Mỗi lần tham gia chị còn vận động thêm chồng và đồng nghiệp trong công ty cùng hiến máu.

Chị Nhâm chia sẻ: "Tôi nhớ lần đầu tiên hiến máu khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương gọi có một trường hợp bị tai nạn trong quá trình lao động, cần truyền máu gấp. Lúc ấy, tôi đang làm việc ở công ty, xin đi hiến máu nhưng tổ trưởng ở tổ sản xuất không đồng ý vì vẫn đang trong giờ làm việc. Dù vậy, tôi vẫn kiên quyết đi bởi hơn ai hết, tôi hiểu nếu không được truyền máu kịp thời thì sự sống của người gặp nạn sẽ rất mong manh". Những lần truyền máu sau đó, chỉ cần bệnh viện gọi là chị Nhâm bỏ dở công việc đang làm, bất chấp thời gian để đến nơi truyền máu cho bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Có những lần, chị Nhâm cùng một số anh chị em máu hiếm lên tận Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để hiến máu. Mỗi lần cảm xúc lại khác nhau, nhưng chung ở đó có chút tự hào, hạnh phúc vì đã giọt máu hiếm của mình đã cứu sống được một mạng người.

Cũng phát hiện mang nhóm máu hiếm khi sắp sinh, chị Nguyễn Thị Nhâm ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung (Nam Sách) băn khoăn, lo lắng không kém. Khi ấy Hải Dương vừa bị phong tỏa do dịch Covid-19, chị lại càng lo hơn bởi nguy cơ có thể xảy ra khi sinh. May mắn là ca sinh mổ diễn ra thuận lợi. Bản thân đã an toàn, nhưng chị biết nhiều người máu hiếm như chị đang rất cần sự giúp đỡ.

“Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp. Hễ nhận được thông tin từ các bệnh viện về trường hợp có người thuộc nhóm máu hiếm đang cấp cứu là tôi có mặt ngay. Tôi nghĩ số người có nhóm máu hiếm đã ít, lại chỉ những người cùng nhóm máu như mình mới cứu được nhau nên nếu sức khỏe bảo đảm thì tôi cố gắng giúp. Mình đồng cảm và thấu hiểu với người bệnh có nhóm máu này, bởi bản thân đã trải qua tình cảnh như vậy", chị Nhâm nói.

Đến nay, chị Nhâm cũng đã 3 lần tham gia hiến máu. Chị nhớ nhất lần thứ 3 hiến máu, vào buổi tối của năm 2023. Khi ấy chị đang có giỗ ở quê ngoại thì nhận điện thoại của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương gọi lên gấp để cứu người. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch do mất nhiều máu.

Trời tối muộn, bụng đói cồn cào nhưng chị vẫn không dám ăn bởi biết bệnh nhân đang chờ máu của mình. Chị bắt taxi lên bệnh viện, trên đường đi, chị chia sẻ câu chuyện của mình cho người lái xe. Biết được chuyện của chị, người lái xe ở lại bệnh viện chờ chị hiến máu cứu người xong lại chở chị về nhà. "Bác lái xe không lấy tiền công chở mà còn động viên, nên dù rất mệt mỏi vì vừa hiến máu nhưng tôi thấy ấm áp, hạnh phúc và có chút tự hào vì sự sẻ chia của mình", chị Nhâm chia sẻ.

Có được cuộc sống bình yên, khỏe mạnh bên con hôm nay, chị Đinh Thị Ngân ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) và những người thân trong gia đình không thể quên được cái ngày mẹ con chị thoát chết trở về.

Chị kể, trong quá trình mổ lấy thai, do biến chứng nhau tiền đạo, ca mổ khó khăn nên chị bị mất máu cấp. Bác sỹ cho biết, sau phẫu thuật cơ thể chị chỉ còn 65% lượng máu, nếu không có máu truyền sẽ nguy kịch tính mạng. Trong khi đó nhóm máu O (Rh-) của chị thuộc máu hiếm nên bệnh viện không có sẵn. Ngay trong đêm, các bác sỹ đã phải huy động nhiều thành viên trong nhóm máu hiếm đến bệnh viện để trực tiếp truyền máu cho chị.

2 tháng sau sinh mổ, sức khỏe chưa hồi phục hẳn nhưng khi biết Câu lạc bộ Nhóm máu miền Bắc tổ chức họp mặt, chị Ngân gửi con nhỏ cho bà trông nom, quyết tâm tham dự hội nghị. Cũng từ đây, chị hiểu hơn về nhóm máu hiếm và quyết định thành lập Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Quảng Ninh. Chị cũng đã gặp được những người đã cho mình máu vào thời khắc sinh tử để nói hai tiếng "cảm ơn" mà mình đau đáu bấy lâu nay.

"Không mong muốn cho đi, càng không muốn nhận lại", đây là suy nghĩ của chị Nhâm và nhiều thành viên khác trong nhóm máu hiếm. Dẫu vậy, những cuộc gọi gấp gáp, bất kể thời gian, dù là hiến máu trong tỉnh hay ngoài tỉnh họ đều tạm gác công việc riêng để lên đường. Hơn ai hết, họ hiểu được nguồn máu phù hợp với người thuộc máu máu hiếm là cực kỳ quý giá, nếu không có, bệnh nhân dễ rơi vào tay tử thần.

Kết nối "biệt dược đỏ"

Trong hành trình hiến máu hiếm cứu người, chị Nguyễn Thị Nhâm ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung (Nam Sách) luôn nhận được sự đồng hành và chia sẻ của chồng

Trong hành trình hiến máu hiếm cứu người, chị Nguyễn Thị Nhâm ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung (Nam Sách) luôn nhận được sự đồng hành và chia sẻ của chồng

Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Hải Dương có hơn 40 thành viên. Dù mới thành lập nhưng các thành viên trong đã hoạt động rất tích cực. Các thành viên tuy khác nhau về công việc, độ tuổi nhưng giống nhau ở chỗ luôn sẵn sàng hiến máu tương trợ người bệnh. Với họ, việc tiếp nhận các cuộc gọi từ bệnh viện đã trở nên quen thuộc.

Anh Vũ Hoàng Điệu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Hải Dương kể, ban đầu chỉ một nhóm những người thuộc nhóm máu hiếm B (Rh-) kết nối được với nhau. Sau đó, trong quá trình vận động hiến máu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương đã phát hiện thêm nhiều người có nhóm máu Rh-.

Số lượng người có nhóm máu Rh- ở Hải Dương rất ít và việc truyền máu cho người có nhóm này khi cần cấp cứu sẽ gặp nhiều khó khăn nên các bác sĩ trong Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã lập nhóm Zalo riêng cho những người có nhóm máu Rh- để tư vấn, chia sẻ thông tin cũng như là cầu nối giữa bệnh viện và những người có nhóm máu này. Sau thời gian dài hoạt động và kết nối, những người nhóm máu hiếm ở Hải Dương đã thành lập được câu lạc bộ. Đây là được coi là nơi kết nối của những người mang "biệt dược đỏ" ở tỉnh Hải Dương.

Anh Điệu cho biết: "Sinh sống và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh nhưng là người con của Hải Dương lại mang trong mình nhóm máu hiếm nên tôi mong muốn góp một phần tâm huyết của mình cùng với các thành viên khác có cùng nhóm máu để chia sẻ cho cộng đồng. Khi cộng đồng máu hiếm càng đông thì sức khỏe của các thành viên trong nhóm ngày càng được bảo đảm".

Là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm Hải Dương, anh Nguyễn Mạnh Tiến ở thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà) hiểu rằng chỉ những người có cùng nhóm máu Rh- mới có thể giúp nhau khi cần máu. Họ không thường xuyên hiến máu như nhóm Rh+ mà luôn phải sẵn sàng hiến máu khi có ca cấp cứu cần đến.

Đặc điểm của Rh- là có thể truyền máu cho người có nhóm Rh+ hoặc Rh- nhưng chỉ nhận được máu Rh-. Nếu truyền nhầm nhóm máu sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. Những bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu cần truyền máu thường đã rất nguy cấp, nhưng nếu bệnh nhân mang dòng máu hiếm Rh- thì sẽ càng nguy kịch hơn. Bởi hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều không dự trữ loại máu có kháng nguyên Rh-. Vì vậy, "ngân hàng máu sống" này là rất cần thiết.

Máu hiếm được ví như “biệt dược đỏ” phục vụ điều trị cho những ca bệnh đặc biệt mà không loại thuốc nào có thể thay thế được. Họ chính là “người hùng thầm lặng” hiến tặng những giọt máu nghĩa tình giúp cứu chữa rất nhiều tính mạng trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Với tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng, hoạt động của các thành viên tròn Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm đã góp phần cứu sống nhiều ca bệnh cần máu. Chính nghĩa cử cao đẹp này đã tiếp thêm niềm tin, hy vọng sống cho người bệnh, và nhân lên những hành động cao đẹp trong cộng đồng.

Nhóm máu hiếm gồm: O (Rh-), A (Rh-), B (Rh-), AB (Rh-). Hệ máu Rh- ước tính chiếm khoảng 0,04% dân số Việt Nam.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/se-chia-giot-mau-hiem-cuu-nguoi-396412.html