Sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon giống như thị trường chứng khoán

Xác định mục tiêu lớn nhất trong xây dựng thị trường carbon là giảm phát thải, quá trình chuẩn bị cho thị trường này đang dần được hình thành sôi động ở Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận về giá trị nguồn lợi từ rừng (Ảnh: Phương Thảo)

Các đại biểu thảo luận về giá trị nguồn lợi từ rừng (Ảnh: Phương Thảo)

Chiều 24/9, hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững” đã bàn luận về các vấn đề xung quanh việc xây dựng thị trường carbon.

Việt Nam sở hữu khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng giai đoạn 2021-2030

TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết diện tích rừng Việt Nam hiện trên 14 triệu ha, với 42,5% độ che phủ, mục tiêu phấn đấu đạt 43% trong thời gian tới. Chiến lược của Chính phủ, ngành nông nghiệp là tăng độ che phủ, phát triển đa giá trị, sử dụng khôn khéo các sản phẩm lâm sản.

Nhìn vào những năm tới, tiềm năng tăng chất lượng rừng lớn là cơ sở tăng dịch vụ môi trường, tăng khả năng hấp thụ carbon. Rừng thường xanh được đánh giá là rừng giàu có mật độ chứa carbon tới 143,3 tấn/ha; rừng trung bình chứa 69,9 tấn/ha, rừng nghèo chỉ đạt 31 tấn/ha và rừng trồng bình quân chỉ chứa 29 tấn/ha.

Tại COP26, Thủ tướng có cam kết Net Zero mạnh mẽ vào năm 2050. Triển khai cam kết này, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tăng khả năng hấp thụ của rừng, đóng góp 70% vào cam kết và tham gia mạnh mẽ vào thị trường tín chỉ carbon.

Cũng theo TS. Hà Công Tuấn, trên thế giới, thị trường tín chỉ carbon đang được bàn thảo sôi động, có tính chất đặc biệt, phụ thuộc nhiều yếu tố với các loại giá khác nhau, chênh lệch từ 1 - 200 USD/tín chỉ.

Các yếu tố tác động đến giá, gồm: Loại hình dự án hình thành nên tín chỉ carbon; việc xác định loại hình tiêu chí; giá tín chỉ đó có bao gồm đồng lợi ích hay không (ví dụ bao gồm cả bảo tồn loài sinh/động vật); địa điểm bán tín chỉ (châu Âu cao hơn nhiều so với châu Á).

“Việt Nam đã bán 51,5 triệu tấn tín chỉ carbon và đang hướng tới xây dựng thị trường carbon tuân thủ, phần lớn phát sinh từ rừng. Việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn nhiều mới mẻ, mục tiêu tới 2028 sẽ hình thành. Quyết tâm chính trị của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của thế giới”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận.

TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Phương Thảo)

TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Phương Thảo)

Nói thêm về mục tiêu lớn nhất xây dựng thị trường carbon, ông Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh đó là giảm phát thải, phát triển bền vững, không chỉ để xác định đối tượng nào hưởng lợi như cách hiểu thị trường thông thường giữa các bên mua - bán.

Tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp nước ta quan tâm. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Việc phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích rừng đã giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt được các cam kết giảm phát thải, mở ra tiềm năng to lớn để tham gia vào thị trường carbon trong nước và toàn cầu.

Lộ trình thị trường carbon dự kiến có 3 giai đoạn

Thông tin về tiến trình thương mại carbon rừng, chính sách, thực trạng, định hướng, bà Nghiêm Phương Thúy, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ về 2 dự án tiêu biểu Cục này đang thực hiện.

Thứ nhất, chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERP), áp dụng tiêu chuẩn FCPF. Dự án chuyển nhượng 10,3 triệu tấn COzeq, bổ sung tối đa 5 triệu tấn (5 USD/tấn) kết quả giảm phát thải giai đoạn 2018-2024 vùng Bắc Trung Bộ

Kết quả giảm phát thải năm 2018, 2019 là 16,21 triệu tấn tín chỉ đã được cấp; chuyển nhượng 10,3 triệu tấn, đang làm thủ tục chuyển nhượng bổ sung 1 triệu tấn.

Thứ hai, dự án dự kiến chuyển nhượng tối thiếu 5,15 tr tấn (10 USD/CO2) từ giảm phát thải vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên (2021-2022). Dự án áp dụng tiêu chuẩn TREES, đã trình tài liệu đăng ký và báo cáo kết quả giảm phát thải năm 2021, 2022 (dự kiền khoảng 8 triệu tín chỉ).

Rừng thường xanh được đánh giá là rừng giàu có mật độ chứa carbon tới 143,3 tấn/ha

Rừng thường xanh được đánh giá là rừng giàu có mật độ chứa carbon tới 143,3 tấn/ha

Theo bà Thúy, các tín chỉ carbon ở Việt Nam bán chủ yếu đến từ rừng tự nhiên trong phân loại rừng giảm phát thải. Đây là 2 yếu tố ảnh hưởng đến giá bán.

Từ các dự án đang thực hiện, bà Thúy nhìn nhận các yếu tố thuận lợi làm cơ sở xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Trong đó, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, Chính phủ đã vạch ra các chiến lược quan trọng làm nền tảng.

“Bên cạnh đó, các thách thức cũng không hề nhỏ. Câu chuyện truyền thông, dư luận về tín chỉ carbon rừng còn chưa nhiều chính xác, không phải cứ trồng được rừng là có tín chỉ carbon như mọi người vẫn nghỉ”, bà Thúy nói thêm.

Bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật Quốc tế của Vụ Pháp lý (Bộ Tài chính) cho biết thị trường tín chỉ carbon chưa hình thành chính thức nhưng đã có sự sôi động nhất định, nhiều doanh nghiệp sớm chủ động đón đầu xu hướng mới này.

Việc chuẩn bị dự án triển khai thị trường carbon yêu cầu kinh phí lớn. Mô hình thị trường tín chỉ carbon được xây dựng trên 4 yếu tố: hàng hóa (hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon); chủ thể tham gia (nhà đầu tư, tổ chức trung gian); tổ chức thị trường (sơ cấp, thứ cấp); tổ chức vận hành thị trường.

“Bộ Tài chính sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon giống như thị trường chứng khoán, đồng thời ban hành quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả thu hồi hạn ngạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì quản lý thị trường carbon, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT”, bà Thủy cho biết.

Về lộ trình xây dựng thị trường, Trưởng phòng Pháp luật Quốc tế của Vụ Pháp lý (Bộ Tài chính) cho biết, tới cuối năm 2024 sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp.

Từ 2025-2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm và tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng kỹ thuật. Năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động, nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/se-co-san-giao-dich-tin-chi-carbon-giong-nhu-thi-truong-chung-khoan-718046.html