Tôi là Nguyễn Duy Toản (sinh năm 1987), nhân viên giao hàng của một công ty cung ứng thực phẩm cho các hệ thống siêu thị, tạp hóa. Tôi đã gắn bó với công việc này suốt 6 năm qua và "nhẵn mặt" với mọi cung đường ở Hà Nội.
Ca làm của tôi bắt đầu lúc 7h30. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tôi và các đồng nghiệp thường đến sớm hơn để kiểm tra thân nhiệt. Ngoài ra, đồng phục và khẩu trang là yêu cầu bắt buộc của mỗi nhân viên giao hàng.
Sau đó, đội ngũ shipper gồm 5 người nhận đơn từ quản lý kho, rồi chia đều cho nhau. Mỗi nhân viên giao hàng chạy khoảng 30-50 đơn/ngày quanh nội thành Hà Nội, thậm chí con số cao hơn trong thời gian giãn cách. Tôi và các đồng nghiệp động viên nhau cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, kịp đáp ứng nguồn hàng cho siêu thị, tạp hóa. Công ty cũng tạo điều kiện, thưởng thêm phần trăm doanh số nếu chúng tôi vượt mốc đề ra.
Sau khi nhận đơn, tôi sắp xếp các địa chỉ giao hàng sao cho thuận tiện đi lại. Đồng thời, tôi kiểm tra một lần nữa các thùng hàng cần chuyển đi, bao gồm cả số lượng lẫn chất lượng đóng gói, nhằm tránh tình trạng đổi trả từ phía khách hàng.
Thay vì sử dụng phương tiện cá nhân, mỗi shipper sẽ đi xe máy chuyên dụng của công ty đã được lắp đặt kệ chở hàng. Tôi chằng buộc dây thật cẩn thận để tránh tình trạng các thùng bị rơi, hỏng hóc khi di chuyển, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ngay khi có thông báo mới về việc cấp thẻ nhận diện phương tiện trên luồng xanh từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, công ty đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cho tôi và đồng nghiệp đi lại trong nội thành.
Những ngày này, đường phố thủ đô rất vắng vẻ, thông thoáng. Tốc độ giao hàng của tôi cũng được đẩy nhanh hơn bởi không phải lo lắng về tình trạng tắc đường.
Đôi lần trên đường đi làm, tôi được yêu cầu dừng xe tại chốt kiểm dịch và kiểm tra giấy tờ, bao gồm giấy thông hành, căn cước công dân và giấy xét nghiệm âm tính nCoV. Đó cũng là những vật "bất ly thân" của tôi khi ra đường đi làm mùa dịch. Thủ tục kiểm tra diễn ra nhanh gọn, không mất nhiều thời gian.
Thời gian đầu, khi Hà Nội mới thắt chặt Chỉ thị 17, tôi liên tục phải dừng xe, xuất trình giấy tờ tại hàng chục chốt cơ động kiểm soát dịch quanh thành phố. Thời gian giao hàng của tôi phần nào bị ảnh hưởng vì phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, tình trạng này được cải thiện kể từ khi vấn đề giấy thông hành được thống nhất.
Trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội, lượng hàng cần vận chuyển tăng cao so với thông thường bởi các siêu thị, tạp hóa cần nguồn cung thực phẩm liên tục.
Quá trình giao hàng được thực hiện nhanh chóng, tránh tiếp xúc với nhiều người. Trong lúc đối chiếu, kiểm tra hóa đơn, giấy tờ, tôi và nhân viên tại điểm giao nhận luôn duy trì khoảng cách tối thiểu.
Để tự bảo vệ bản thân, trong lúc chờ làm thủ tục, tôi chủ động né tránh các điểm tập kết kho hàng và tìm một chỗ ngồi nghỉ cách đó vài mét.
Tôi phần nào cảm thấy an tâm khi giao hàng tại các cửa hàng tạp hóa. Một số điểm đã chủ động căng dây, giữ khoảng cách tối thiểu, tránh tiếp xúc với người ngoài.
Trên đường giao hàng, tôi buộc phải quay đầu, thay đổi vài lộ trình di chuyển quen thuộc do một số địa bàn dân cư lập chốt chặn cứng, nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội.
Trong túi của tôi luôn để sẵn một lọ nước rửa tay khô tiện dụng, phòng trừ trường hợp địa điểm giao nhận không có, hoặc tôi cần sát khuẩn trong lúc di chuyển trên đường.
Trước khi bùng dịch, tôi thường mua bữa trưa ở ngoài, rồi trở về kho hàng ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, do hàng quán hiện đều đóng cửa, tôi tập thói quen đem cơm từ nhà đi.
Bình nước lạnh là "người bạn đồng hành" thiết yếu của tôi trong những ngày đi làm nóng nực. Đặc biệt, thói quen sử dụng bình nước riêng của tôi từ trước dịch lại càng phát huy ưu điểm lúc này. Nó giúp tôi hạn chế sử dụng chung cốc, chén với những người khác trong công ty.
Kể từ ngày Hà Nội xuất hiện loạt ca dương tính nCoV là nhân viên giao hàng, tôi và các đồng nghiệp được yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19. Kết quả chỉ có hiệu lực trong 72 giờ đồng hồ. Vì vậy, cứ 3 ngày, toàn bộ đội ngũ shipper ở công ty tôi phải nghỉ ca chiều để tới bệnh viện xét nghiệm.
Mặc dù luôn cẩn thận và giữ an toàn trong quá trình làm việc, tôi vẫn thở phào nhẹ nhõm khi nhận được giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính. Nhờ đó, tôi có thể an tâm trở về nhà sau ngày dài làm việc.
Điều đầu tiên tôi làm khi bước chân về nhà là thay quần áo và tắm rửa sạch sẽ. Gia đình tôi ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), có cả người già lẫn trẻ nhỏ. Họ là những thành phần dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19, nên tôi càng phải cẩn thận hơn để tránh mang mầm bệnh về.
Sau một ngày dài vất vả trên đường, tôi dành phần lớn thời gian rảnh cho các con. Ngoài những lúc vui chơi, tôi cũng kèm cặp con gái lớn 7 tuổi học bài. Thực sự, tôi cảm thấy may mắn khi vẫn có thu nhập trong thời gian dịch bệnh khó khăn để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Phạm Thắng - Hồng Chang