Siết chặt các ưu đãi về thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, kế hoạch năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Ảnh: Quốc hội.

Theo đó, giải trình các ý kiến liên quan thu ngân sách nhà nước, có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP đạt 6,7% nhưng tại sao ngân sách nhà nước chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán. Vì sao GDP cải thiện nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước giảm. Vì sao thu từ 3 khu vực lớn không đạt?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích: Về bản chất, ngân sách nhà nước là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển của nền kinh tế nên chịu ảnh hưởng cả từ yếu tố tích cực, hạn chế, yếu kém. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế, lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách đạt vượt 2,3% là tích cực. Thu nội địa từ hoạt động sản xuất trên 14% cũng là tích cực. Dự toán 2018 cũng được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá là tích cực, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2017. “Sau khi bù trừ số giảm dự toán thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu thì tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến chỉ tăng 6,4%”, Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng nêu rõ: Dù tổng thể thu ngân sách nhà nước vượt nhưng từ 3 khu vực chính chưa đạt 100% có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan do dự toán giao rất cao, so với năm 2016, cao hơn nhiều so với GDP và lạm phát cộng lại, cho nên dù không đạt nhưng đây là mức tích cực. Về khách quan, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng còn đang chậm; tình hình sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước thì năm nay rất khó khăn, kể cả 2 doanh nghiệp lớn chúng ta thấy đóng góp vào tăng trưởng kinh tế rất cao là Samsung và Formosa nhưng thu ngân sách của 2 doanh nghiệp này không tăng nhiều do đang trong thời kỳ 2 doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, phạm vi thu ngân sách Việt Nam gồm cả thu từ dầu thô, sử dụng đất, nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước, còn các nước thì không tính khoản thu đó vào thuế, phí; có nước còn tính bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách, Việt Nam không tính khoản này. “Chúng tôi có dữ liệu so sánh để thấy rằng quy định thuế, phía của Việt Nam ở mức trung bình thấp trong khu vực, thế giới”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao thứ ba sau Nhật và Trung Quốc; đề nghị xem xét điều chỉnh chính sách thuế để bảo đảm tỷ lệ huy động ngân sách hợp lý, giảm dần bội chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Khi so sánh số liệu thu ngân sách giữa các nước, cần chú ý bảo đảm việc so sánh dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất.

“Về phạm vi, thu ngân sách Việt Nam bao gồm cả thu từ dầu thô, thu sử dụng đất từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu từ vốn, thu từ bán tài nguyên quốc gia, và không được tính vào nguồn thu từ thuế và phí, ví dụ như Trung Quốc. Hoặc các nước phát triển cả huy động bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách nhà nước, trong khi Việt Nam lại loại trừ khoản này ra”, Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Chính việc điều chỉnh chính sách này cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu do chúng ta hội nhập nên tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018 là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP.

Bộ trưởng bày tỏ sự nhất trí với ý kiến các đại biểu về việc cần phải xem xét để có những điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp; rà soát đưa ra một số khoản thu quỹ tài chính ngoài ngân sách vào cân đối ngân sách và nghiên cứu để xây dựng thuế tài sản vào thời điểm thích hợp

Về bội chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định năm nay là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây chúng ta kiểm soát được bội chi. "Chúng tôi thấy chúng ta vẫn giữ cam kết là mức bội chi trong tổng số Quốc hội đã thông qua. Như vậy, chúng ta sẽ bảo đảm mức nợ công theo tính toán của chúng tôi đến 2018 là 63,9%, cuối 2018 nợ Chính phủ là 52,5% và nợ nước ngoài của quốc gia là 47,6%, trong giới hạn Quốc hội cho phép", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/siet-chat-cac-uu-dai-ve-thue-dieu-chinh-thue-suat-phu-hop-522345