Siết chặt xử lý xe 'nhiều không'

Không thể phủ nhận hữu ích trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của các loại xe ba gác, xe độ, chế, cải tiến nhưng những chiếc xe này lại không có giấy chứng nhận đăng ký xe, không đủ các yếu tố đảm bảo an toàn kỹ thuật khi lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Theo quy định của pháp luật, các loại phương tiện này không được phép lưu hành. Do vậy, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Bù Đăng đã và đang tập trung xử lý nghiêm nhằm thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ các loại phương tiện này.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ

Anh Điểu Lúc (dân tộc S’tiêng) ở thôn 4, xã Bom Bo vừa bị tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng xử lý vi phạm vì sử dụng xe môtô không đủ các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật giao thông. Xe không gương, không kèn, không đèn chiếu sáng, không biển số, không bộ phận giảm thanh, chỉ còn lại… bộ khung sắt. Hơn nữa, chiếc xe cũng đã thay đổi thiết kế và độ, chế thêm các bộ phận khác. Anh Điểu Lúc cho biết: “Gia đình có 2 xe môtô. Xe này chủ yếu dùng để chạy đi rẫy nên tôi đã đôn nòng cho xe để chở điều, củi. Nhà có rẫy xa, lại dốc cao, phải làm vậy mới chở được. Biết là xe thiếu rất nhiều thiết bị khác nhưng vẫn còn phanh sau. Hôm nay, tôi đi đóng cái đùm thắng của bánh xe khác để phòng khi hư hỏng sẽ thay thế, chứ cũng không đi xe này ra đường lớn bao giờ”.

Anh Điểu Lúc bị tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng xử lý vi phạm sử dụng xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật

Anh Điểu Lúc bị tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng xử lý vi phạm sử dụng xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật

Tương tự, anh Điểu Côn ở thôn 1, xã Đường 10 cũng bị tổ công tác xử lý vì điều khiển xe vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật. Điều đáng trách là quá trình lưu thông tại khu vực chợ Bom Bo, anh Côn còn nẹt pô phát ra tiếng nổ lớn, chạy xe lạng lách gây mất an toàn giao thông. Khi bị tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, anh Điểu Côn bỏ chạy khiến tổ công tác phải truy đuổi.

Trung tá Vũ Xuân Đãi, Tổ trưởng tổ công tác, Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng cho biết: “Với những phương tiện không có giấy tờ, biển số và thiếu các yếu tố đảm bảo an toàn kỹ thuật, khi lưu thông trên đường rất nguy hiểm. Khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn thường gây hậu quả nghiêm trọng. Những loại xe này sẽ bị tịch thu theo quy định. Do vậy, một số trường hợp khi phát hiện tổ công tác đang làm nhiệm vụ thường tăng ga bỏ chạy hoặc khi bị lực lượng ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu làm việc thì chủ xe bỏ đi, không hợp tác”.

Hiện nay, những trường hợp sử dụng phương tiện xe môtô độ, chế và không đủ các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn kỹ thuật trong nhân dân rất phổ biến, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn một loại phương tiện khác cũng được người dân sử dụng khá nhiều, đó là xe ba bánh. Thực tế, trên thị trường bán rất nhiều xe có kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng của người mua mà xe có thể được gắn các loại động cơ, công suất phù hợp. Những năm trước, nếu muốn mua xe ba gác, người dân phải đến các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Nhưng nay, tại huyện Bù Đăng và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có nhiều cơ sở sản xuất, độ, chế, lắp ráp loại xe này.

Trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bà Phạm Thị Mến ở thôn 8, xã Bom Bo mua xe ba gác máy ngay tại xã Bom Bo với số tiền 65 triệu đồng để buôn bán, vận chuyển nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Từ ngày có xe ba gác, các con trai, con rể của bà thay nhau lái xe chở hàng, việc làm ăn ngày càng suôn sẻ. Tuy nhiên, bà Mến không biết loại phương tiện này không được phép lưu thông. “Lúc mua tôi cũng biết xe không có giấy tờ đăng ký. Là nông dân nên tôi nghĩ xe đủ thắng, chạy nghiêm túc, an toàn là được, chứ không nghĩ là ảnh hưởng tới an toàn giao thông, không được phép chạy. Chồng bị tai biến, không làm được gì, mình tôi gánh vác mọi việc trong nhà cũng cực lắm!” - bà Mến bày tỏ.

THỰC HIỆN THEO LỘ TRÌNH

Trung tá Châu Thành Đủ, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng cho biết: Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác các loại xe môtô độ, chế, thay đổi thông số kỹ thuật, xe ba gác, xe lắp ráp trong nhân dân. Tuy nhiên, để từng bước hạn chế, giảm dần và tiến tới không để các phương tiện này lưu thông trên đường, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn cụ thể. Từ đầu năm 2022, đội đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn lập danh sách thống kê những cửa hàng buôn bán, cơ sở sửa chữa, lắp ráp, sản xuất, cải tạo xe môtô 2 bánh, 3 bánh, qua đó mời các chủ cơ sở đó lên cam kết không trao đổi, mua bán, sản xuất, cải tạo, lắp ráp. Nếu các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Việc cho các chủ cơ sở, cửa hàng ký cam kết là bước quan trọng, nhằm khống chế nguồn cung cấp ra thị trường. Các chủ cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền người dân không mua, sử dụng xe ba gác, không độ, chế thay đổi công suất xe môtô. Cùng với đó, chúng tôi đề nghị lãnh đạo các xã, thôn tuyên truyền nội dung này tới các tầng lớp nhân dân để mọi người cùng thực hiện. Khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền trực tiếp cho người dân tại các khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền khác.

Trung tá Châu Thành Đủ, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng

Từ đầu năm tới nay, cùng với triển khai ký kết và tuyên truyền trong nhân dân, Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng đã tịch thu 6 xe môtô 3 bánh. Các xe có giá trị từ 35-65 triệu đồng. Phần lớn chủ các xe đều là nông dân, chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, sử dụng xe vào mục đích vận chuyển hàng hóa, nông sản. Thực tế, những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện thời gian qua có một số vụ liên quan đến các loại xe này. Do vậy, thời gian tới, việc xử lý, tịch thu các loại xe này sẽ được Đội CSGT Công an huyện Bù Đăng thực hiện quyết liệt hơn, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/131937/siet-chat-xu-ly-xe-nhieu-khong