Siết quản lý kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm đến nay đã có những bất cập. Vì vậy cần sửa đổi Luật Bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm cũng như tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á.
Tăng trưởng bình quân 24%/năm
Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 552.403 tỷ đồng năm 2020, trong đó tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 95.949 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 456.454 tỷ đồng.
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 460.457 tỷ đồng năm 2020, trong đó số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 51.308 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 409.149 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 38%/năm, đạt 113.523 tỷ đồng năm 2020, trong đó vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 31.035 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 82.488 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện nay, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.
Hiện nay có khoảng 3.022 sản phẩm, trong đó phi nhân thọ: 2.478 sản phẩm, nhân thọ: 544 sản phẩm. Ngoài việc phát triển về số lượng, sản phẩm bảo hiểm được phát triển theo hướng ngày càng đa dạng và linh hoạt, thực hiện cho tất cả 7 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, 11 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và 3 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm), dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.
Các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế, các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, trong khi trên thị trường bảo hiểm đã có các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trên thế giới và khu vực, ví dụ như:
Tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn; nhu cầu bảo hiểm trong khu vực công, khu vực công nghiệp, thương mại, hộ gia đình và dân cư đang đòi hỏi ngày càng cao, trong khi quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, với tỉ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp (3%) so với các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (9,7%) và của thế giới (6,1%)1.
Thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện để có cơ sở so sánh, tìm hiểu, quyết định tham gia bảo hiểm, nên có những tranh chấp phát sinh; Vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau);…
Khắc phục bất cập
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Dự thảo đưa ra nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; nhóm chính sách về hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm; nhóm chính sách về khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm…
Theo dự thảo, hợp đồng bảo hiểm con người được sửa đổi, bổ sung quy định về thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ, giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết để phù hợp với Bộ luật dân sự; Bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, quy định về việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trừ trường hợp có thỏa thuận tại hợp đồng, về người thụ hưởng, hợp đồng bảo hiểm nhóm
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo Dự thảo đã có quy định cụ thể về phạm vi hoạt động, giấy phép thành lập, quy định tổ chức hoạt động (trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện…)
Dự thảo nêu rõ cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài và những điều không được phép trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Đối với thị trường bảo hiểm, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn do mọi thông tin đều công khai, minh bạch, nhiều cách thức tiếp cận với doanh nghiệp bảo hiểm; tiết kiệm được chi phí”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/siet-quan-ly-kinh-doanh-bao-hiem-d18578.html