Sinh viên mới ra trường trở thành 'tạp vụ' khi làm ở công ty gia đình

Mô hình công ty gia đình hoạt động nhiều bất cập khiến người đi làm, đặc biệt sinh viên mới ra trường, ám ảnh và tự rút kinh nghiệm không vào làm việc ở những nơi như vậy.

Tìm đọc thấy thông tin tuyển dụng nhân sự tại một công ty, Trần Lan (25 tuổi, TP.HCM) vội vàng ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh. Trong thời gian thử việc, cô phát hiện đây là công ty gia đình.

Điều này khiến Lan lo lắng bởi trước đó, cô từng làm việc tại một công ty hoạt động theo mô hình này và thấy nhiều mặt trái của nó.

 Nhiều người ngán ngẩm từ chế độ đãi ngộ đến phong cách quản lý khi làm việc tại công ty gia đình. Ảnh minh họa: Echnologynetworks

Nhiều người ngán ngẩm từ chế độ đãi ngộ đến phong cách quản lý khi làm việc tại công ty gia đình. Ảnh minh họa: Echnologynetworks

Không được chứng tỏ năng lực bản thân

Vì cần công việc, Trần Lan cố gắng ở lại. Tuy nhiên, sau 2 tháng, cô gái trẻ chủ động nộp đơn xin nghỉ việc vì những trải nghiệm không tốt đẹp tại đây.

Lan cho biết thay vì đánh giá đúng năng lực của nhân viên qua cách họ làm việc, cấp trên sẵn sàng chỉ đạo theo cảm tính mà không có bất kỳ sự cân nhắc, tính toán nào. Họ luôn đưa ra quyết định nhanh chóng khiến cô bất ngờ.

“Mình vào làm 2 ngày, thậm chí chưa được sử dụng máy tính nhưng họ cho rằng năng lực của mình không phù hợp khi làm vị trí này, điều này thực sự vô lý”, Trần Lan ngán ngẩm.

Trong tháng đầu làm việc, Trần Lan không học hỏi được bất cứ điều gì liên quan đến vị trí việc làm của mình, không có cơ hội phát triển năng lực. Lan tự nhận thấy bản thân ù lỳ, bí bách. Không những vậy, Lan thường bị “réo tên", giao làm nhiều công việc không đúng chuyên môn cùng một lúc.

“Nếu kế toán nghỉ, mình sẽ phải làm sổ sách, xuất kho. Thỉnh thoảng, mình lại 'đóng vai' bác tạp vụ đi chợ, nấu ăn, quét nhà, rửa bát, thậm chí trông em bé", Lan kể.

Nói về cơ hội thăng tiến, Lan cho rằng khi làm việc tại công ty gia đình, lao động mới đi làm khó thực hiện mục tiêu bản thân đặt ra. Thông thường, các công ty theo mô hình này ưu tiên “con ông cháu cha” hay nhân viên làm lâu năm.

Những người sau phải có năng lực và triển vọng để phát triển công ty. Tuy nhiên, dù bản thân có làm tốt đến đâu, kết quả không được công nhận xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.

Như giúp việc cho gia đình sếp

Cũng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, Nguyễn Hân (23 tuổi, từ Biên Hòa) thay đổi suy nghĩ về công ty gia đình. Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Đồng Nai, với lợi thế tiếng Anh kèm theo chứng chỉ xuất nhập khẩu đã học trước khi ra trường, Hân ứng tuyển và vào làm việc tại một công ty gia đình về xuất nhập khẩu.

Cô tìm hiểu kỹ về công ty này, hiểu mô hình công ty gia đình này có nhược điểm nhưng cũng nhiều ưu điểm, đặc biệt với sinh viên mới ra trường như cô.

Nguyễn Hân cho biết khi tuyển dụng, công ty gia đình thường không yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm. Cô tin tưởng nếu làm việc trong các công ty này, cô sẽ được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ con số 0 trước khi bước đến các công ty lớn. Hân sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nhược điểm để được học hỏi.

“Nhưng chính mình không ngờ công ty này khiến mình 'ám ảnh' khi chính thức bước chân đi làm”, Hân chia sẻ.

Ban đầu, Hân được tuyển vào làm tại vị trí nhân viên chăm sóc đơn hàng với công việc như xác nhận đơn hàng, theo dõi đơn hàng của công ty, bộ phận kinh doanh, theo dõi đơn hàng từ khi bắt đầu nhận cho đến khi giao hàng, giải quyết các sự cố phát sinh nếu có.

Tuy nhiên, trong suốt 2 tháng đầu làm việc, Hân không được đào tạo bất cứ công việc gì liên quan đến vị trí việc làm của mình. Thay vào đó, cô được giao những việc không tên.

Thời gian xưởng nhiều việc, thiếu người làm, Hân được luân chuyển luôn xuống kho để làm vị trí công nhân làm nhãn mác. Chưa kể nhiều hôm, cử nhân trẻ phải quét nhà máy suốt 4 tiếng đồng hồ, thay luôn vị trí lao công.

Ngoài ra, cô gái trẻ còn đảm nhận nhiều công việc lặt vặt khác. Hân cho biết vào những ngày lễ, cô được giao đến nhà sếp trang trí phòng khách. Trong giờ làm việc, cô cũng thường xuyên được “nhờ” đi mua trái cây cho khách, mua cà phê, đồ ăn cho sếp, dọn phòng làm việc hay thậm chí rửa bát.

“Họ bắt mình làm những công việc tào lao như vậy, không giao việc chính vì sợ họ hướng dẫn xong, mình sẽ nghỉ việc và đi công ty khác”, Hân bức xúc.

Hết 2 tháng thử việc, cứ nghĩ cuối cùng cũng được chính thức học hỏi trong công việc chăm sóc đơn hàng, Hân không nghĩ rằng mình vẫn chỉ dậm chân tại chỗ bởi những công việc “không đầu, không cuối” và vẫn chủ yếu làm việc vặt hàng ngày.

Sau 6 tháng, có lẽ, Nguyễn Hân thành thạo nhất việc dọn phòng. Cảm thấy bị coi thường, cô quyết định nghỉ việc, tìm công ty mới.

Cân nhắc lựa chọn mô hình công ty phù hợp

Sau trải nghiệm tại công ty gia đình, Trần Lan và Nguyễn Hân đắn đo, cân nhắc kỹ hơn về trước khi quyết định sẽ làm ở đâu.

Với Trần Lan, cô cho rằng môi trường làm việc lý tưởng sẽ giúp bản thân thỏa sức sáng tạo, cởi mở trong giao tiếp và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm.

Thay vì tiếp tục công việc nhàm chán ở công ty cũ, Lan nghĩ nên lựa chọn những mô hình công ty phù hợp để đáp ứng được nhu cầu học hỏi, phát triển của bản thân.

“Khi được nhận vào làm việc, nếu thấy công ty mập mờ về lương, thưởng, chế độ phúc lợi hay phải làm nhiều công việc không tên khác, mình cứ mạnh dạn tìm công việc thích hợp khác. Ở nơi đó, chúng ta mới tỏa sáng, bộc lộ hết khả năng của mình”, Trần Lan nhấn mạnh.

Nguyễn Hân cũng cho rằng cần tỉnh táo hơn trong việc tìm kiếm môi trường làm việc tốt. Cô lựa chọn công ty có yêu cầu, quy định làm việc rõ ràng thay vì chạy theo công ty hứa hẹn đưa ra mức lương cao, đãi ngộ mập mờ.

"Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, chấp nhận mức lương thấp cũng được. Quan trọng là khi lựa được môi trường phù hợp để làm việc, bản thân mỗi người cũng có nhiều cơ hội và học hỏi được nhiều hơn", Hân chia sẻ.

Trần Lan và Nguyễn Hân cũng đã bắt đầu tính đến việc phải suy xét cẩn thận và đặt những câu hỏi với nhà tuyển dụng để đánh giá sự minh bạch trong mọi vấn đề của công ty trước khi chính thức vào làm, ở bất kể ở mô hình nào.

Sau đó, họ sẽ đề cập đến quá trình làm việc, cơ hội thăng tiến hay các kỹ năng cần cải thiện để phát triển sự nghiệp của mình.

Lan Anh - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sinh-vien-moi-ra-truong-tro-thanh-tap-vu-khi-lam-o-cong-ty-gia-dinh-post1326508.html