Smartphone xách tay ở Việt Nam rơi vào thế khó
Những quy định mới cùng sự thay đổi trong thị hiếu đang tạo ra một khoảng trống mới ở phân khúc điện thoại xách tay tại Việt Nam.
Kể từ ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020 của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là nghị định xoay quanh quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giải, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi đi vào hiệu lực, Nghị định này có thể ảnh hưởng khá nhiều đến thị trường các loại hàng hóa “xách tay”, trong đó dĩ nhiên có smartphone.
Theo đó, Điều 15 của Nghị định này nêu rõ hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Ở đây, hàng hóa nhập lậu được hiểu là những hàng hóa thuộc danh mục cấm, hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, hàng hóa nhập lậu còn là hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục. Ngoài ra, hàng hóa nhập lậu còn được hiểu là hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ, hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không hợp pháp.
Với những định nghĩa này, có thể thấy những dòng điện thoại smartphone xách tay trên thị trường có thể được xếp vào nhóm hàng nhập lậu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người buôn bán smartphone có thể phải chịu mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng. Những thay đổi và quy định cụ thể về pháp lý nói trên được cho là sẽ khiến thị trường điện thoại xách tay ở Việt Nam im ắng hơn trong thời gian tới.
Dù vậy, thực tế, trong khoảng 1 – 2 năm trở lại đây, thị hiếu của người dùng Việt Nam cũng đang bắt đầu thay đổi. Dù các thiết bị xách tay vẫn duy trì được sức hút, nhiều người bắt đầu tìm đến thị trường chính hãng khi mua những chiếc điện thoại cao cấp.
“Khi chọn mua những chiếc điện thoại ở phân khúc cao cấp, người dùng hiện nay có xu hướng tìm đến phân khúc hàng chính hãng. Với giá chênh lệch với hàng xách tay vài triệu đồng, họ coi đây là mức chi phí để “mua” sự yên tâm về chất lượng, nguồn gốc cũng như các chính sách hậu mẫu liên quan đến sản phẩm của mình,” anh Minh, chủ một cửa hàng di động trên phố Thái Hà, Hà Nội nói.
Đồng quan điểm, anh Tuấn (25 tuổi, Hà Nội), người vừa mua một chiếc iPhone 11 tại một cửa hàng phân phối được ủy quyền của Apple, nói rằng anh chấp nhận bỏ chi phí cao hơn so với hàng xách tay nhưng yên tâm hơn. Trước đó, anh Tuấn thường mua điện thoại xách tay mỗi khi có nhu cầu thay mới. Xu hướng gia tăng tầng lớp trung lưu của Việt Nam cũng được cho là có đóng góp liên quan đến sự thay đổi này.
Những diễn biến trên thị trường di động gần đây cho thấy các nhà sản xuất cũng đang thay đổi để nắm bắt thay đổi trong thị hiếu người dùng. OnePlus, thương hiệu từng chỉ xuất hiện chớp nhoáng tại Việt Nam cách đây vài năm, cũng đã chính thức quay trở lại phân phối điện thoại chính hãng. Trước đây, những người yêu thích thương hiệu này ở Việt Nam chỉ có thể dùng máy xách tay. Sau bộ đôi bộ đôi OnePlus Nord 5G và OnePlus 8 Pro 5G, mới đây, hãng này tiếp tục tung ra thêm một dòng máy cao cấp với tên gọi OnePlus 8T 5G dành cho người dùng trong nước. Sự xuất hiện của OnePlus mang đến những gam mày mới cho phân khúc điện thoại cao cấp ở Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Những người yêu công nghệ dự đoán trong thời gian tới thị trường Việt Nam còn có thể đón nhận thêm các thương hiệu mới chính thức gia nhập trong bối cảnh thị trường xách tay rơi vào thế khó.