Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ liên tục tăng ở mức 55.000-65.000 ca/ngày

Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, liên tục tăng ở mức 55.000-65.000 ca/ngày.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 16/7 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ xác nhận thêm 67.632 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thống kê của trang worldometers.info cho hay, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ hiện là 3.617.040 ca và 140.150 ca tử vong.

Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng cao trở lại kể từ cuối tháng 6 vừa qua, chủ yếu ở các bang miền Nam và Tây nước này.

Các mô hình dự báo công bố ngày 15/7 cho thấy số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có thể chạm ngưỡng 150.000 ca vào tháng tới, ngay cả khi kết quả một nghiên cứu cho rằng việc đeo khẩu trang có thể cứu khoảng 40.000 người từ nay cho tới tháng 11.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu ở Mỹ Walmart thông báo kể từ ngày 20/7 sẽ yêu cầu tất cả khách hàng phải đeo khẩu trang khi mua sắm. Trước đó, Walmart chỉ khuyến cáo khách hàng nên đeo khẩu trang chứ không ra quy định bắt buộc.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 14h30 ngày 16/7 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 13.706.050 ca mắc COVID-19 và 587.144 ca tử vong. Số ca hồi phục là 8.166.465 ca.

Đứng sau Mỹ là Brazil với 1.970.909 ca mắc và 75.523 ca tử vong, Ấn Độ (970.596 ca mắc và 24.935 ca tử vong), Nga (752.797 ca mắc và 11.937 ca tử vong), Peru (337.724 ca mắc và 12.417 ca tử vong)...

Tại Brazil, ngày 15/7, Tổng thống Jair Bolsonaro thông báo mình vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong lần xét nghiệm mới trước đó cùng ngày. Ông Bolsonaro cho biết ông hiện không xuất hiện triệu chứng mắc bệnh và đang được điều trị bằng thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine. Nhà lãnh đạo Brazil sẽ vẫn thực hiện cách ly và làm việc dưới hình thức trực tuyến tại Alvorada Palace.

Trước đó, Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp nguy cơ do dịch COVID-19, đồng thời hối thúc chính quyền các địa phương nới lỏng lệnh phong tỏa mà ông cho là đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Brazil.

Nam Phi: Một trong 3 nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới

Tại Nam Phi, ngày 15/7, Bộ trưởng Tư pháp Lamola tuyên bố sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân không tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng. Đây được xem là biện pháp cứng rắn nhất mà Chính phủ Nam Phi áp dụng trong bối cảnh nước này đang trở thành điểm nóng toàn cầu về dịch COVID-19.

Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele cho biết sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát thực hiện công tác tuần tra thường xuyên nhằm kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng cũng như các quy định liên quan đến lệnh phong tỏa mà nước này áp dụng từ cuối tháng 3.

Kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên hôm 5/3, Nam Phi hiện mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 10.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nằm trong số 3 nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới, sau Mỹ và Brazil. Tính đến hết ngày 15/7, Nam Phi ghi nhận 311.049 ca mắc COVID-19, đứng trong tốp 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

Nhiều nước châu Âu siết các biện pháp phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, nhiều nước châu Âu đã quyết định gia hạn tình trạng báo động và ngừng thực hiện kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch đã đưa trước đó.

Ngày 15/7, Tổng thống Romania Klaus Iohannis thông báo quyết định gia hạn tình trạng báo động dịch bệnh thêm một tháng. Đây là lần thứ hai Chính phủ Romania đưa ra quyết định này sau khi bắt đầu tình trạng báo động từ giữa tháng 5 - thời điểm Romania vừa kết thúc hai tháng duy trì tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh COVID-19.

Như vậy, mọi biện pháp phòng dịch đang áp dụng sẽ tiếp tục được duy trì. Cụ thể, các hoạt động giải trí trong không gian kín như rạp chiếu phim, nhà hát tiếp tục đóng cửa; người dân phải đeo khẩu trang tại khu vực công cộng có không gian kín như nơi làm việc, cửa hàng, phương tiện giao thông công cộng và giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m.

Dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại Romania từ giữa tháng 6. Các số liệu báo cáo cho thấy số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày của Romania là trên 320 ca trong khoảng thời gian từ ngày16/6-30/6, trong khi con số này hồi nửa đầu tháng 6 là 194 ca. Từ đầu tháng 7 đến nay, số ca nhiễm mới trung bình trong ngày tại Romania đã lên hơn 480 ca.

Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cũng quyết định ngừng triển khai giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, dự kiến thực hiện từ ngày 1/8. Thủ tướng Wilmes cho biết ngày 23/7, chính phủ sẽ đánh giá tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định có thực hiện giai đoạn nới lỏng nói trên hay không.

Từ ngày 5-11/7, số ca nhiễm mới tại Bỉ đã tăng 8% so với tuần trước đó. Đến nay, dịch COVID-19 tại Bỉ đã khiến tổng cộng 62.872 người nhiễm bệnh và cướp đinh sinh mạng của 9.788 người. Thủ tướng Wilmes kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch.

Ireland cũng buộc phải lùi thời điểm triển khai giai đoạn 4 của kế hoạch mở cửa lại hoạt động xã hội và kinh doanh đến ngày 10/8 do tỷ lệ người mắc COVID-19 tại nước này tăng cao trở lại.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết ưu tiên của nước này là giảm tỷ lệ lây nhiễm. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Ireland bổ sung 5 biện pháp mới, có hiệu lực ngay trong ngày 15/7, gồm bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng và trung tâm thương mại; các quán rượu, câu lạc bộ tiếp tục đóng cửa đến ngày 10/8; hạn chế số người tới nhà thăm hỏi lẫn nhau dưới 10 người; không được phép tụ tập quá 50 người tại không gian kín và 200 người tại không gian mở; hạn chế tối đa các trường hợp ra nước ngoài không cần thiết.

Hiện Ireland đã ghi nhận hơn 25.600 bệnh nhân COVID-19, trong đó 1.748 người đã tử vong.

Thủ đô Tokyo cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan COVID-19

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang ở mức cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan dịch COVID-19 sau khi số ca nhiễm mới gia tăng. Phát biểu tại một cuộc họp về dịch COVID-19, Thị trưởng Koike nêu rõ theo các chuyên gia, tình hình lây nhiễm đang ở cấp độ 4 trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng. Theo họ, số người trẻ tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng tại Tokyo, với các ca nhiễm được ghi nhận tại các khu vui chơi giải trí vào ban đêm, tại nơi làm việc hoặc trong gia đình.

Tuy nhiên, cảnh báo ở cấp độ cao nhất này không có nghĩa là chính quyền thành phố sẽ yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh hoặc hoãn tổ chức các sự kiện.

Sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5, số ca nhiễm mới đã gia tăng tại thủ đô Tokyo, với đỉnh điểm là 243 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 10/7. Giới chức thành phố cho biết nhiều ca nhiễm mới bắt nguồn từ các khu vui chơi giải trí ban đêm và những người mắc bệnh ở độ tuổi 20 và 30, nhóm tuổi vốn ít có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/so-ca-mac-covid19-o-my-lien-tuc-tang-o-muc-5500065000-cangay/400963.vgp