Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, các thành phố châu Âu hối hả tăng cường chống dịch
Theo trang web Worldometer, thế giới hiện đang có 30.674.985 ca mắc Covid-19, bao gồm 303.628 ca mới. Số ca tử vong là 955.518 ca, gồm 5.248 ca mới trong 24 giờ qua. Hiện Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc.
Châu Âu hiện có 4.353.831 ca mắc, gồm 51.074 ca mắc mới. Số ca tử vong là 215.503 người, gồm 657 ca mắc mới.
Các quốc gia châu Âu từ Đan Mạch và Iceland ở miền bắc cho tới Hy Lạp ở miền nam đều tuyên bố những giới hạn mới vào hôm qua (18/9) trước số ca mắc Covid-19 tăng lên ở một số thành phố lớn nhất của họ.
Trong khi đó Anh đang xem xét một lệnh phong tỏa quốc gia mới. Số ca mắc ở Anh tăng gấp đôi, lên gần 6.000 ca mắc một ngày trong tuần gần đây nhất, số ca nhập viện tăng lên và tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh khắp các vùng phía bắc và thủ đô London. Khi được hãng tin Sky News hỏi về khả năng áp lệnh phong tỏa thứ 2 vào tháng sau, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết đây chỉ được xem là giải pháp cuối cùng nhưng chính phủ sẽ làm mọi việc có thể để chống lại virus.
“Cứ khoảng 8 ngày trôi qua, số người trong bệnh viện lại tăng gấp đôi... do đó chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để giữ an toàn cho mọi người” – ông Hancock nói. Từ thứ 3, Anh đã áp đặt các quy định mới về Covid-19 tại North West, Midlands và West Yorkshire.
Số ca mắc Covid-19 mới tăng đều ở hầu hết châu Âu trong 2 tháng qua, số ca phải điều trị tích cực và tử vong cũng bắt đầu tăng, đặc biệt ở Tây Ban Nha và Pháp.
Tại Tây Ban Nha, nơi có số ca mắc cao nhất châu Âu, khu vực bao gồm thủ đô Madrid sẽ giới hạn việc đi lại giữa và bên trong các khu vực bị làn sóng lây nhiễm thứ 2 ảnh hưởng nặng nề, tác động tới 850.000 người. Lãnh đạo khu vực Isabel Diaz Ayuso cho biết hôm qua rằng việc tiếp cận các công viên và khu vực công cộng sẽ bị hạn chế, việc tụ tập sẽ chỉ giới hạn tới 6 người nhưng người dân không nên bị ngăn cản đi làm ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
“Chúng ta cần tránh phong tỏa, chúng ta cần tránh thảm họa kinh tế” – bà Ayuso nói tại một cuộc họp báo.
Nhà chức trách ở thành phố Nice của Pháp đã cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở nơi công cộng và giới hạn giờ mở cửa các quán bar. Hôm 17/9, Pháp ghi nhận gần 10.600 ca mắc mới – cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Tại Đan Mạch, nơi 454 ca mắc mới hôm qua đã gần tới mức kỷ lục 473 hồi tháng 4, Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết giới hạn đối với việc tụ tập nơi công cộng sẽ giảm từ 100 xuống 50 người và ra lệnh quán bar, nhà hàng đóng cửa sớm.
Trong khi đó Iceland yêu cầu các khu giải trí, quán rượu ở thủ đô đóng cửa 4 ngày từ 18 đến 21/9.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết chính phủ của ông đang chuẩn bị các biện pháp mang tính “khu vực” để chống virus bùng phát sau khi nước này ghi nhận số ca mắc kỷ lục 1.972 ca trong 24 giờ. Dự kiến những biện pháp này bao gồm thắt chặt việc tụ tập nơi công cộng, đóng cửa sớm quán bar, nhà hàng..
Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết chính phủ đã sẵn sàng thắt chặt các biện pháp ở khu vực thủ đô Athens khi số ca mắc Covid-19 tăng lên. Thủ tướng nói rằng ủy ban các chuyên gia y tế của nước này đã đề nghị nghiêm khắc với các cuộc tụ tập công cộng, dừng các sự kiện văn hóa trong 14 ngày.
Châu Âu vẫn đang hy vọng không theo vết xe đổ của Israel – nơi hôm qua bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần 2 trong bối cảnh mùa lễ hội Do Thái vì số ca mắc mới tăng vọt.
Trong khi đó, mới đây Giám đốc Tedros Adhanom của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết việc đóng khung quyết định phong tỏa vì Covid-19 và mở cửa lại nền kinh tế như một sự lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế là một sự phân đôi “sai lầm”.
Ông cho rằng WHO đang thúc giục các quốc gia tập trung vào 4 ưu tiên thiết yếu. Một là ngăn chặn các sự kiện có các cuộc tụ tập lớn như ở sân vận động, hộp đêm... những nơi từng chứng kiến các đợt bùng phát dịch. Thứ 2 là bảo vệ những người dễ bị tổn thương để cứu người và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Thứ 3 là GD cộng đồng các biện pháp như giãn cách xã hội, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang. Cuối cùng là tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm, chăm sóc các ca mắc cũng như truy vết, cách ly những tiếp xúc của họ.