Số ca mắc mới tại Mỹ tăng vọt dù cán mốc tiêm 200 triệu liều vắc xin

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Mạng truyền thông công cộng Mỹ (PBS) ngày 8/12 đưa tin mặc dù Mỹ đã đạt cột mốc tiêm 200 triệu liều vắc xin cho người dân, số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vọt tại nước này.

Số ca mắc mới tại Mỹ đã tăng từ mức trung bình gần 95.000 ca/ngày vào ngày 22/11 lên gần 119.000 ca/ngày trong tuần này, trong khi số ca nhập viện tăng 25% so với 1 tháng trước.

Theo PBS, tỉ lệ khoảng 60% dân số Mỹ tiêm chủng đầy đủ là không đủ để ngăn chặn những điểm nóng về dịch bệnh xuất hiện trở lại.

Giới chức y tế cho biết một số yếu tố thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của số ca mắc mới gồm thời tiết lạnh hơn buộc người dân phải ở trong nhà, không đeo khẩu trang, sự xuất hiện của biến thể Delta và kháng thể trước COVID-19 giảm ở những người được chủng ngừa từ sớm, đặc biệt là những người cao tuổi.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ kém hiệu quả theo thời gian và với sự xuất hiện của biến thể Delta, người cao tuổi có xu hướng mất đi khả năng được bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng.

Về chương trình tiêm vắc xin của nước Mỹ, ông Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Michigan, cho rằng lệnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Tổng thống Joe Biden đang gây khó khăn cho tất cả nước Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 thông báo quy định bắt buộc người lao động tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc phải xét nghiệm định kỳ sẽ được áp dụng từ đầu năm sau.

Cụ thể, các công ty có từ 100 nhân viên trở lên phải buộc nhân viên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc xét nghiệm hằng tuần từ ngày 4/1/2022. Quy định này ước tính ảnh hưởng đến hơn 2/3 lực lượng lao động tại Mỹ.

* Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 9/12 đã cho phép mở rộng diện tiêm mũi vắc xin tăng cường của hãng Pfizer-BioNTech cho học sinh lứa tuổi 16 và 17, trong bối cảnh có những lo ngại rằng biến thể Omicron vẫn có thể vẫn xâm nhập qua hàng rào miễn dịch do việc tiêm 2 mũi vắc xin mang lại.

Quyết định của FDA được đưa ra chỉ một ngày sau khi các công ty công bố những kết quả thí nghiệm mới nhất cho thấy việc tiêm 3 mũi vắc xin dường như có hiệu quả ngăn biến thể Omicron, trong khi việc tiêm 2 mũi có thể là chưa đủ để bảo vệ con người khỏi nhiễm virus gây bệnh COVID-19 này mặc dù chúng vẫn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Ngay cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện, đã có những lo ngại rằng hàng rào miễn dịch sẽ giảm đi theo thời gian, trong khi Mỹ cùng nhiều quốc gia khác ở Bắc Bán cầu đang trải qua làn sóng dịch mùa đông với biến thể chủ đạo hiện nay là Delta. Việc tiêm mũi tăng cường này sẽ được thực hiện 6 tháng sau khi đã tiêm đủ 2 mũi đầu.

Bà Janet Woodcock, quyền lãnh đạo FDA Mỹ, nêu rõ cho đến nay, tiêm chủng và có thêm một mũi tăng cường, cùng với các biện pháp phòng ngừa khác như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người trong không gian kín vẫn là những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa COVID-19.

Trong khi đó, bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng nêu rõ "những dữ liệu ban đầu cho thấy mũi tăng cường có thể giúp củng cố hệ miễn dịch ngăn biến thể Omicron cùng các biến thể khác" và bà mạnh mẽ khuyến khích thanh thiếu niên trong lứa tuổi 16, 17 tiêm mũi tăng cường của Pfizer 6 tháng sau 2 mũi ban đầu.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268451/so-ca-mac-moi-tai-my-tang-vot-du-can-moc-tiem-200-trieu-lieu-vac-xin.html