Số ca nhiễm mới Covid-19 ở châu Âu tăng kỷ lục

Theo trang thống kê worldometers.info và TTXVN, tính đến ngày 1-11, thế giới ghi nhận hơn 46,46 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Mỹ đã chứng kiến ngày có số ca nhiễm tăng cao nhất, với hơn 100.000 ca và hiện tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên hơn 9,4 triệu ca, trong đó có 236 nghìn ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info và TTXVN, tính đến ngày 1-11, thế giới ghi nhận hơn 46,46 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Mỹ đã chứng kiến ngày có số ca nhiễm tăng cao nhất, với hơn 100.000 ca và hiện tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên hơn 9,4 triệu ca, trong đó có 236 nghìn ca tử vong.

Tại châu Âu, số ca nhập viện do Covid-19 trong tuần này đã lên mức cao nhất tại ít nhất 14 quốc gia trong châu lục. Những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bao gồm Séc với tỷ lệ nhập viện là 62 ca/100.000 dân, tiếp đó là Ru-ma-ni (57 ca), Bỉ (51 ca), Ba Lan (39 ca).

Anh trở thành quốc gia thứ chín trên thế giới và thứ tư ở châu Âu (sau Nga, Pháp, Tây Ban Nha) ghi nhận hơn một triệu ca mắc Covid-19. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn đã công bố lệnh phong tỏa mới kéo dài bốn tuần nhằm phòng, chống đại dịch trên toàn vùng Inh-lân.

Thủ tướng Tây Ban Nha lên án các cuộc biểu tình bạo lực đang diễn ra ở các thành phố trên khắp nước này nhằm chống lại các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiềm chế sự gia tăng của dịch Covid-19, sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài sáu tháng có hiệu lực. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, việc Tây Ban Nha ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ giúp các khu vực có thể quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại.

I-ta-li-a lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới do tình trạng quá tải của hệ thống y tế quốc gia khi nước này có hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong hai ngày qua. Truyền thông nước này đưa tin, Chính phủ I-ta-li-a có thể sớm áp đặt lệnh phong tỏa đối với những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

Thủ tướng Ðức A.Méc-ken khẳng định chính phủ liên bang sẽ bảo đảm hỗ trợ các công ty và doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa từng phần trong tháng 11 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Dự kiến vào ngày 4-11 tới, Thủ tướng Méc-ken sẽ thảo luận với các hiệp hội đại diện cho người sử dụng lao động và ngành công nghiệp ở Ðức về những tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Chính phủ Áo công bố lệnh phong tỏa trên quy mô lớn lần thứ hai và lệnh giới nghiêm bắt đầu từ tuần tới cho đến cuối tháng 11 nhằm kiểm soát số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến ở quốc gia này. Hy Lạp quyết định sẽ gia hạn thêm lệnh giới nghiêm ban đêm và mở rộng ra trên cả nước. Thủ tướng Hy Lạp cho biết, chính phủ cũng sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ ơ-rô cho các khu vực bị ảnh hưởng dịch.

Ủy ban Biên giới quốc gia Bê-la-rút tuyên bố, kể từ ngày 1-11 tạm thời không cho phép các công dân nước ngoài và những người không có tư cách công dân nhập cảnh. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các công dân Nga - những người quá cảnh qua Bê-la-rút để đến Nga.

Nga, U-crai-na, Ba Lan, Hung-ga-ri đều thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất từ trước tới nay. Tổng số ca nhiễm hằng ngày của Nga đã tăng lên mức kỷ lục là 18.665 vào ngày 1-11, nâng tổng số ca nhiễm ở Nga lên 1.636.781 ca, trong đó có 28.235 ca tử vong.

Tại châu Á, chính quyền thủ đô Xơ-un, Hàn Quốc sẽ bắt đầu áp mức phạt khoảng 88 USD đối với những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 13-11 tới. Tuy nhiên, quy định không áp dụng với trẻ em dưới 14 tuổi, người tàn tật hoặc được chẩn đoán gặp vấn đề sức khỏe.

Ngày 1-11, Ô-xtrây-li-a lần đầu không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Theo Bộ trưởng Y tế nước này G.Hăn, bang Vích-to-ri-a, vốn chiếm hơn 90% ca tử vong do Covid-19 ở Ô-xtrây-li-a, thông báo không phát hiện ca nhiễm mới và tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp.

Khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, với tổng số ca tử vong vượt 400.000, lên mức 400.524 người. Bra-xin là nước có số ca tử vong cao nhất tại khu vực này, với hơn 159.900 người.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét cho rằng, dịch Covid-19 sẽ không đặt dấu chấm hết cho các thành phố trên thế giới, thay vào đó các nhà quản lý đô thị cần có góc nhìn mới về đại dịch, coi đây như một "lực đẩy" để xây dựng các trung tâm đô thị phát triển hơn. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, dù dịch đẩy nhiều người phải tìm nơi cư ngụ mới, song vẫn có khoảng 60% dân số toàn cầu sẽ sinh sống tại các đô thị vào năm 2030, tăng 4% so mức hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/so-ca-nhiem-moi-covid-19-o-chau-au-tang-ky-luc-622854/