Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Ấn Độ, Philippines ở mức cao nhất

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

* Pháp tái phong tỏa một phần lãnh thổ từ đêm 19/3

Ngày 19/3, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức cao nhất trong ba tháng qua, do con số cao kỷ lục tại bang miền Tây Maharashtra, nơi chính quyền đã áp dụng các biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ hiện là 11.514.331 ca, cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil.

Ngày 19/3, Ấn Độ ghi nhận 39.726 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2020. Số ca tử vong tăng thêm 154 ca lên 159.370 ca.

Maharashtra, bang có "thủ đô thương mại" Mumbai của Ấn Độ, ghi nhận 25.833 ca nhiễm mới, chiếm 65% số ca nhiễm mới của cả nước trong 24 giờ qua.

Sở Y tế bang đã đề nghị chính phủ liên bang cung cấp 2 triệu liều vắc xin/tuần để tiêm chủng cho 300.000 người/ngày.

Số giường bệnh và các cơ sở đặc biệt chăm sóc bệnh nhân COVID-19 sắp quá tải, đặc biệt là ở Mumbai và nhiều thành phố công nghiệp lớn khác như Nagpur và Pune.

Thủ đô New Delhi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đều trong hai tuần qua, khiến chính quyền thành phố phải tăng cường chiến dịch tiêm phòng lên mức 125.000 liều/ngày, so với con số 40.000 liều/ngày hiện tại.

Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi lãnh đạo các bang tăng cường chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc, với mục tiêu đến tháng Tám tới 300 triệu người được tiêm chủng.

Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 19/3 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, lên tới 7.103 ca, đồng thời có thêm 13 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm ở nước này hiện là 648.066 ca và số ca tử vong là 12.900 ca.

Philippines, đặc biệt là vùng thủ đô, đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao, trong đó nhiều ca nhiễm các biến thể dễ lây lan của virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Hungary ghi nhận số ca nhiễm mới vượt mức 10.000 ca, lên tới 10.759 ca - cao nhất từ trước tới nay. Số ca tử vong ghi nhận ngày 19/3 cũng ở mức cao nhất, 213 ca. Quốc gia có 10 triệu dân này đang nỗ lực tiêm phòng và gần 1,5 triệu người đã được tiêm vắc xin.

Tại Syria, giới chức Bộ Y tế cho biết đến ngày 18/3 đã sử dụng hết số giường chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện công tại thủ đô Damascus. Theo đó, một số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực đã được chuyển sang tỉnh khác.

Syria đã ghi nhận 16.776 ca nhiễm, trong đó có 1.120 ca tử vong tại các khu vực do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng số ca nhiễm có thể cao hơn nhiều vì tỉ lệ xét nghiệm hạn chế.

Phủ Tổng thống Syria cho biết Tổng thống Bashar-al-Assad và vợ đã có các triệu chức nhẹ của bệnh COVID-19 nhưng đến ngày 18/3 đang bình phục.

Tại Pháp, Thủ tướng nước này Jean Castex tối 18/3 thông báo sẽ đưa 16 tỉnh của Pháp vào diện phong tỏa toàn bộ lần thứ 3, bắt đầu từ nửa đêm 19/3 và kéo dài ít nhất 4 tuần.

16 tỉnh này bao gồm thủ đô Paris, 7 tỉnh vệ tinh thuộc các vùng Île-de-France, 5 tỉnh thuộc vùng Hauts-de France, tỉnh Eure và Seine-Maritimes (vùng Normandie) và tỉnh Alpes-Maritimes (vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur).

Phát biểu họp báo, Thủ tướng Castex nhấn mạnh cần phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để chặn đà lây lan nhanh chóng của virus và các biến thể của virus SARS-CoV-2 vốn đang khiến số ca nhiễm mới không ngừng tăng lên, đẩy nhiều bệnh viện bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải.

Cũng theo ông Castex, lệnh phong tỏa cuối tuần đang được áp dụng tại một số địa phương không đủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại 16 tỉnh bị tái phong tỏa toàn phần, chỉ những cửa hàng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu mới được phép mở cửa. Các trường phổ thông vẫn hoạt động bình thường nhưng các trường đại học phải duy trì dạy trực tuyến như trước.

Trong thời gian phong tỏa, người dân có thể ra ngoài không giới hạn thời gian nhưng chỉ trong bán kính 10km từ nhà riêng.

Việc di chuyển giữa các vùng bị cấm hoàn toàn, ngoại trừ vì công việc và những lý do đặc biệt khác.

Thủ tướng Castex cảnh báo nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, chính phủ sẽ mở rộng phạm vi phong tỏa sang các tỉnh còn lại.

Ngoài việc phong tỏa 16 tỉnh, chính phủ Pháp cũng quyết định vẫn duy trì giờ giới nghiêm nhưng lùi đến 19 giờ hằng ngày, muộn hơn một giờ so với quy định trước đó, vì châu Âu sắp chuyển sang giờ mùa hè.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253520/so-ca-nhiem-moi-covid-19-tai-an-do-philippines-o-muc-cao-nhat.html