Số ca tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ tăng 89% trong tuần qua

Trong tuần từ 18 đến 25/4, Ấn Độ có thêm 16.257 ca tử vong, tăng tới 89% so với tuần trước đó. Hiện Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 195.116 người thiệt mạng vì COVID-19.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà hỏa táng Nigambodh Ghat ở New Delhi, Ấn Độ ngày 22/4/2021. Ảnh: AFP

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26/4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ qua trên toàn cầu là 710.912 và 9.270 ca tử vong mới.

Toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 147.763.698 ca bệnh COVID-19, trong đó có 3.121.769 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ với 354.531 ca, Thổ Nhĩ Kỳ: 38,553 ca và Mỹ: 34.268ca. Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới với 2.806 ca, tiếp theo là Brazil với 1.188 ca và Thổ Nhĩ Kỳ có 347 ca.

Trong ngày 25/4, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục số ca bệnh COVID-19 mới cao nhất thế giới và cũng là cao nhất tại nước này từ trước tới nay, với 354.531 ca.

Đây là ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Nam Á này vượt con số cao chưa từng thấy của ngày hôm trước, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.

Trước tình hình trên, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã quyết định gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thành phố này nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Trong tuần từ 18 đến 25/4, Ấn Độ ghi nhận 16.257 ca tử vong, tăng tới 89% so với tuần trước đó. Hiện nước này đã ghi nhận tổng cộng 195.116 người thiệt mạng vì COVID-19.

Trong khi đó, Thụy Sĩ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ. Ca bệnh này là một hành khách quá cảnh hàng không tại Thụy Sĩ và không đến trực tiếp từ Ấn Độ. Hiện nhà chức trách Thụy Sĩ đang tiến hành tham vấn về việc liệu có đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ cao, theo đó, người dân đến từ quốc gia Nam Á này sẽ phải cách ly ngay tại điểm đến.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Ấn Độ, ngày 25/4, chính quyền Mỹ cho biết sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho quốc gia đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho biết sẽ hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở.

Trước đó, chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở, tới Ấn Độ để hỗ trợ quốc gia Nam Á này đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19.

Tính tới ngày 24/4, hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ.

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, đã có ít nhất 1.002.938.540 liều vaccine đã được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn một nửa trong số đó, khoảng 58%, đã được sử dụng tại 3 nước gồm Mỹ với 225,6 triệu liều, Trung Quốc với 216,1 triệu liều và Ấn Độ với 138,4 triệu liều.

Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ mỗi 10 người lại có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vaccine. Xếp sau Israel là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với hơn 51% dân số đã nhận được tiêm ít nhất một mũi vaccine, tiếp theo là Anh với 49%, Mỹ (42%), Chile (41%), Bahrain (38%) và Uruguay (32%). Tại Liên minh châu Âu (EU), 128 triệu liều đã được tiêm cho 21% dân số. Các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm 0,2% số liều vaccine đã được sử dụng.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-tai-an-do-tang-89-trong-tuan-qua-post129929.html