Số hóa để bảo tồn những bản sắc phong cổ ở Đà Nẵng

Đà Nẵng là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều bản sắc phong cổ, tuy nhiên, do chưa biết cách bảo quản trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên nhiều bản đã bị hư hỏng. Nhằm 'cứu nguy' cho các tờ sắc phong cổ này, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành số hóa những tư liệu quý trên.

Các bô lão làm lễ khai sắc để đem bản sắc phong cho cán bộ thực hiện số hóa. Ảnh: Trúc Hà

Các bô lão làm lễ khai sắc để đem bản sắc phong cho cán bộ thực hiện số hóa. Ảnh: Trúc Hà

Nguồn tư liệu vô giá

Theo đánh giá, những bản sắc phong cổ có giá trị về mặt lịch sử đối với địa bàn Đà Nẵng vì đây là nguồn tư liệu Hán - Nôm gắn với câu chuyện lịch sử hình thành và phát triển làng, xã Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Điều đáng tiếc, không ít các bản sắc phong được lưu giữ ở các nhà thờ, đình làng, chư phái tộc đã bị xuống cấp, mục nát nghiêm trọng. Đầu tháng 6-2020, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát và số hóa các bản sắc phong ở Đà Nẵng.

Quá trình làm việc, cán bộ đoàn khảo sát phát hiện trong cộng đồng còn tồn tại rất nhiều bản sắc phong, tuy nhiên, người dân không đánh giá hết giá trị của những tài liệu này. Họ ít biết về ngôn ngữ Hán Nôm nên không hình dung được mình đang nắm trong tay những tài liệu quý giá như thế nào. Có nhiều cụ trong làng đã tìm tòi, học hỏi để dịch chữ trên tài liệu, vì vậy, khi các chuyên gia Hán Nôm giải thích cặn kẽ ý nghĩa của các tài liệu sắc phong thì các cụ mới hiểu hết và càng tự hào hơn.

Cụ Phan Văn Xuân, Trưởng ban Hội đồng chư phái tộc của đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) cho biết, việc tiếp xúc trực tiếp với những sắc phong này là rất khó. Các sắc phong của các thượng đỉnh thần được đình làng giữ gìn trong hộp từ đời này sang đời khác, khi có việc cần thì phải làm lễ mới được thỉnh xuống, lập biên bản ghi rõ thời gian thỉnh rồi cẩn trọng cất đi chứ không thể để mất.

Bản thân cụ Xuân cũng chỉ biết đây là những tài liệu, di sản rất quý và gìn giữ bằng cách cất giấu thật kỹ. Cho đến khi có đoàn công tác đến đây cùng với nhiều chuyên gia, cụ Xuân và mọi người mới hiểu thêm được đây là chỉ dụ các triều vua đã ban cho tiền hiền, hậu hiền trong làng Đà Sơn. Đó là niềm tự hào mà không phải làng nào cũng có được.

Trong những ngày đi thực địa, anh Nguyễn Giang Quân, phụ trách Phòng Số hóa của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Đà Nẵng, người dân bảo quản sắc phong khá kỹ càng, các bô lão cất giữ ở trên cao, tuy nhiên có những nơi, việc bảo quản chưa đúng cách, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên tài liệu không còn nguyên vẹn, bị vỡ nát, hư hỏng khá nhiều.

Ví dụ như thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang có 4 hộp đựng sắc phong, khi lấy ra trong đó không biết số lượng có bao nhiêu sắc phong, vì phần lớn sắc phong đã bị hư hại, vỡ nát hết. Nếu không có những chuyến khảo sát như thế này thì không thể đánh giá được hiện trạng cũng như hỗ trợ địa phương trong việc giữ gìn, bảo quản. Qua thu thập, tìm kiếm, đoàn công tác đã xử lý được gần 300 tài liệu sắc phong. Những tài liệu này rất phong phú về nội dung, như sắc phong thần, sắc chỉ, bằng cấp, lệnh chỉ, gia phả, văn chúc thọ, mộc bản, câu đối... Mong rằng, trong quá trình tìm kiếm sẽ có thêm sắc phong về quan lại, danh nhân để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu.

Lưu giữ cho muôn đời sau

Theo trình tự, trước khi các bản sắc phong được số hóa, các bô lão trong làng sẽ mặc phục lễ, thành kính thắp hương làm lễ khai sắc. Sau khi tư liệu được chụp xong, bản gốc sẽ trả lại cho các bô lão, file xử lý sẽ giao lại cho Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng.

Sau này, tài liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi cho người dân và những nhà nghiên cứu. Khi biết những tài liệu quý của làng sẽ được số hóa - một phương pháp lưu giữ khoa học hiện đại, ông Phạm Văn Chánh, Phó Trưởng ban quản lý đình làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) không giấu nổi vui mừng, bởi suốt những năm qua, ông và mọi người đã cố gắng gìn giữ những bản sắc phong này nhưng vẫn canh cánh trong lòng việc sợ bị hư hỏng như nhiều nơi khác. Nay được bảo tàng, thư viện giúp lưu giữ bằng cách số hóa các bản sắc phong, như vậy con cháu sau này có thể nhìn thấy di sản của dòng tộc mình.

Số hóa các bản sắc phong cổ tại Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Số hóa các bản sắc phong cổ tại Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đánh giá, việc phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tiến hành số hóa các bản sắc phong là việc làm rất thiết thực. Khi hoàn thành công việc số hóa và lưu trữ các tài liệu này, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng sẽ tuyên truyền, phổ biến các tư liệu đến bạn đọc và toàn quốc, đưa lên website để giới thiệu rộng rãi đến người dân và những nhà nghiên cứu.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ, bên cạnh việc số hóa, thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ nghiên cứu và dịch toàn bộ nội dung sắc phong. Sau đó, đơn vị đưa vào lưu trữ, phục vụ bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về lịch sử làng, xã. Hiện nay, đã thống kê được các sắc phong tại các đình làng, trong đó có nhiều đình lưu giữ còn nguyên vẹn nhiều sắc phong từ thời vua Nguyễn, như: Đình Nam Thọ có 35 sắc phong; đình Túy Loan có 18 sắc phong...

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/so-hoa-de-bao-ton-nhung-ban-sac-phong-co-o-da-nang-post431191.html