Số hóa phương thức tuyên truyền, tính tất yếu của thời đại

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về phát triển công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý đã làm thay đổi thế giới. Phương tiện công nghệ thông tin đã mang đến cho con người một thế giới phẳng, nhanh, nhạy. Gần đây, xuất hiện xu hướng 5 nhóm có khả năng quyết định sự phát triển nhân loại. Đó là, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 'Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, trận chiến của báo chí thắng hay bại là ở đây!'. Đây là tính tất yếu của thời đại số hóa.

Bám sát “nền tảng” đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

Thay đổi phương thức tuyên truyền - số hóa là việc cần làm ngay, xuất bản Tạp chí Văn nghệ Bình Phước điện tử là cần thiết nhằm quảng bá về văn hóa, vùng đất, con người với những đặc trưng vốn có của tính nổi trội, giới thiệu Văn học Nghệ thuật vào cuộc sống. Qua đó, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ của độc giả trong môi trường mạng. Tiết kiệm tài chính và công sức cho khâu in - phát hành.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều động thái thể hiện quyết tâm tạo bứt phá trong lĩnh vực thông tin và truyền thôngđể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để cụ thể hóa chủ trương Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 - NQ/TU ngày 18/5/2021 về “Chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Ngày 08/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND về “Triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Mục đích nhằm xây dựng các cơ quan báo chí tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới trải nghiệm độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Trang bìa Tạp chí Văn nghệ Bình Phước số 88 (tháng 9-2024)

Trang bìa Tạp chí Văn nghệ Bình Phước số 88 (tháng 9-2024)

Thực tế, Bình Phước đã chi hơn 1% từ ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin, coi đây là minh chứng cho một cách làm mới trong triển khai chính phủ số, chuyển đổi số. Đó là dành tỷ lệ chi thích đáng từ ngân sách với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử bộ, ngành, Nhà nước cho công nghệ thông tin để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả. Dịch vụ Internet đã được cung cấp 100% tới các địa phương. Hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính, Internet được trang bị 100% tại các cơ quan nhà nước. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổng hợp, ước tính đến năm 2025 nền kinh tế số sẽ chiếm trên 10% GRDP của Bình Phước, mạng di động 5G được phủ sóng ở một số khu trung tâm của tỉnh, đó là những tín hiệu đáng mừng cho điều kiện chuyển đổi số.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X là “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Kết luận khẳng định: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu được quan tâm, thúc đẩy đổi mới tư duy sáng tạo phương thức sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến đông đảo bạn đọc trên không gian mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông luôn khuyến khích các báo và tạp chí in xây dựng loại hình báo và tạp chí điện tử nhằm tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên hệ thống Internet. Vì vậy, xây dựng Tạp chí Văn nghệ điện tử trên cơ sở đã có Tạp chí Văn nghệ Bình Phước in, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép số 388/GP-BTTTT ngày 13/8/2015 hoạt động xuất bản định kỳ mỗi tháng 1 số là phù hợp.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước có Báo Bình Phước điện tử. Nếu có thêm Tạp chí Văn nghệ điện tử sẽ làm phong phú thêm hoạt động loại hình truyền thông đa phương tiện, phục vụ kịp thời tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; vận động đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, góp phần đồng thuận, thống nhất cao các chủ trương của tỉnh, ổn định về chính trị - phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sự quyết tâm chuyển dần ấn phẩm giấy sang điện tử

Suy cho cùng, chuyển đổi số cũng phải bắt đầu từ trái tim, lấy con người làm vị trí trung tâm. Bởi diễn đạt bằng những nền tảng hay phương thức tân kỳ nào đi nữa thì mọi điều đều phải bắt đầu từ mối quan hệ giữa con người với con người.

Tạp chí Văn nghệ tuy hoạt động chưa quy mô đủ các loại hình báo chí đa phương tiện, số bản in phát hành còn ít, tầm ảnh hưởng trong xã hội chưa nhiều nhưng cơ bản tạp chí đã từng bước nỗ lực tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ theo tôn chỉ mục đích. Từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, làm tốt công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương kịp thời; thu hút được đối tượng độc giả. Và hơn hết, tạp chí là phương tiện quan trọng để giới thiệu - nêu bật những vấn đề cốt lõi thuộc hệ giá trị văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước; những điểm giống và khác nhau về bản sắc văn hóa giữa Bình Phước với các địa phương, vùng miền khác trong cả nước.

Vấn đề này đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm để tập trung giới thiệu - quảng bá hình ảnh hào hùng, tươi đẹp của quê hương - con người Bình Phước xưa và nay. Quyết tâm đó đã được cụ thể bằng Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước ban hành ngày 20/11/2023, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước “Đa dạng, bản sắc và hội nhập”; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là “Hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.

Cùng với dòng chảy phát triển Công nghệ thông tin như hiện nay đòi hỏi xã hội phải thay đổi, từng tổ chức thay đổi và mỗi cá nhân cũng thay đổi phương thức làm việc, sinh hoạt theo yêu cầu “nhanh, nhạy, chuyên nghiệp, hiệu quả”. Sự thay đổi đó cũng đặt ra không ít thách thức trong đó có hoạt động báo chí và văn học, nghệ thuật.

Thách thức lớn nhất là điều kiện tài chính đầu thư thiết bị, làm báo điện tử đòi hỏi phải cần máy quay, phòng dựng, thiết bị chuyển tải điện tử... trong điều kiện tài chính hạn chế mà đầu tư một lúc tất yếu sẽ gặp khó khăn.

Vấn đề thứ hai là cán bộ, nhân viên không chỉ giỏi trong chuyên môn mà đòi hỏi chuyên nghiệp cả trong ứng dụng công nghệ thông tin khi chuyển đối số. Tự thân mỗi người trong cơ quan tạp chí, các văn nghệ sĩ phải tự trang bị những kiến thức cơ bản cập nhật kỹ năng chuyển đổi số.

Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, một cơ quan báo chí mang đậm dấu ấn văn học, nghệ thuật nên cũng có những đặc thù riêng và sự chịu tác động chung của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tạp chí Văn nghệ đã xây dựng (dự thảo) Đề án hoạt động tạp chí điện tử; từng bước cải cách phương thức hoạt động, để quảng bá - giới thiệu tác phẩm báo chí và văn học, nghệ thuật vào cuộc sống.

Phương châm: Tiếp tục duy trì ấn phẩm Tạp chí Văn nghệ Bình Phước phục vụ các nhiệm vụ chính trị đã được xác định; Phát triển Tạp chí Văn nghệ Bình Phước về mặt kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là các sự kiện văn học, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đến độc giả.

Thể chế số đang theo sau sự phát triển số. Cái khó nhất trong việc triển khai hoạt động Tạp chí văn nghệ điện tử đó là những cơ quan chuyên môn không giao thêm biên chế và kinh phí để thực hiện. Vì vậy, Đề án Tạp chí Văn nghệ điện tử tuy đã xây dựng xong trên cơ sở kiêm nhiệm và thuê vị trí việc làm (chuyên gia kỹ thuật an ninh mạng) nhưng tạm đặt trong dấu chấm than để đó! Ban Biên tập đã linh hoạt, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, chuyển nội dung phiên bản của tạp chí in lên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh và website vannghebinhphuoc giới thiệu, phục vụ bạn đọc.

Việc đổi mới, sáng tạo chuyển phiên bản tạp chí giấy lên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh và website vannghebinhphuoc bước đầu đem đến sự tiện ích cho độc giả truy cập, đón đọc.Như vậy thông qua nền tảng công nghệ số hóa, phương thức tuyên truyền, quảng bá của Tạp chí Văn nghệ Bình Phước đã thực sự được ứng dụng hiệu quả. Tất nhiên trong tương lai gần, phấn đấu đưa Tạp chí Văn nghệ điện tử vào hoạt động để thực sự chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như yêu cầu của Kế hoạch số 07/KH-UBND về “Triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Phạm Hiến - Đặc san Người làm báo Bình Phước, số tháng 9-2024

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/163773/so-hoa-phuong-thuc-tuyen-truyen-tinh-tat-yeu-cua-thoi-dai