Sơ kết 1 năm thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử

Hôm nay 15.11.2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

 Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Trị

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Trị

Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước; thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử; giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lí công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lí văn bản, hồ sơ, công việc để có chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Đến nay đã có 95/95 đơn vị các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. 64 bộ, ngành, địa phương phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền (cấp vụ, cục, sở, ngành, quận huyện), trong đó có 1.200 sở, ngành, quận huyện đã kết nối thông qua LGSP gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia.

Từ ngày 12.3.2019 đến ngày 12.11.2019, có tổng số 230.398 văn bản điện tử được gửi và 627.630 văn bản điện tử được nhận giữa các cơ quan hành chính; 63/95 cơ quan đã nâng cấp phần mềm quản lí văn bản và điều hành hiện đang chạy chính thức.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả, đáp ứng lộ trình đề ra tại Quyết định số 28, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan hành chính nhà nước tham gia vào quá trình gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc từ giải quyết công việc theo phương thức truyền thống, dựa trên giấy tờ sang giải quyết văn bản, công việc trên môi trường mạng, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ trong năm 2019 ban hành nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư lưu trữ để đáp ứng yêu cầu xử lí hồ sơ công việc trên mạng Internet.

Các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tiếp nhận, xử lí, phát hành và quản lí văn bản điện tử, ban hành danh mục văn bản điện tử gửi kèm bản giấy trong nội bộ đơn vị theo quy định tại Quyết định số 28, hoàn thành trước ngày 30.6.2020 để bảo đảm căn cứ pháp lí, thống nhất trong triển khai từ Trung ương đến địa phương và trong nội bộ các đơn vị.

Tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản, cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản phát hành, gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền, văn bản phải có chữ kí số và đầy đủ thông tin xác thực chữ kí số, đầy đủ nội dung đính kèm, không gửi nhiều lần cùng 1 văn bản, đề cao vai trò cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò của đội ngũ văn thư lưu trữ trong công tác rà soát, kiểm tra thành phần văn bản trước khi gửi điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia…

Tiến Nhất

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=143878