Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

30 năm kể từ ngày thành lập, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Sóc Trăng không ngừng trưởng thành, đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động KH&CN ngày càng đi vào chiều sâu, chuyển biến tích cực, nhiều thành tựu KH&CN mới được áp dụng vào đời sống, sản xuất, giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và kinh tế - xã hội của địa phương.

Những thành tựu nổi bật

30 năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, Sở KH&CN Sóc Trăng từng bước củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND tỉnh trong các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, hoạt động KH&CN của tỉnh từng bước vươn lên, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Từ năm 1993 đến năm 2023, tỉnh đã thực hiện 11 đề tài, dự án thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia, 228 đề tài, dự án cấp tỉnh (trong đó có 67 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 161 đề tài lĩnh vực khoa học tự nhiên). Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng được nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương như giống lúa ST, củ hành tím, Artemia Vĩnh Châu, trái cây Cù Lao Dung, nhãn tím Phong Nẫm, vú sữa tím Kế Sách...

Từ năm 2011 đến nay, cấp sở, ngành đã triển khai 996 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí trên 193,7 tỷ đồng; ở cấp huyện có 992 nhiệm vụ KH&CN được triển khai với tổng kinh phí trên 148,4 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đã triển khai thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2023, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Ngành KH&CN tỉnh cũng đã hỗ trợ 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 5 trường hợp kết hợp với chỉ dẫn địa lý, với tổng số 861.670 tem. Năm 2021, tỉnh triển khai xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với tên miền https://txng.soctrang.gov.vn, cập nhật cơ bản dữ liệu thông tin 120 sản phẩm của 27 doanh nghiệp lên hệ thống; hỗ trợ 400.000 tem cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc vận hành trên cổng thông tin của tỉnh.

Sở KH&CN Sóc Trăng đã phối hợp với các viện, trường, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả nhiều đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Sở KH&CN Sóc Trăng đã phối hợp với các viện, trường, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả nhiều đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, toàn tỉnh có 1.281 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 9 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Bên cạnh đăng ký bảo hộ trong nước, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài như: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, khu vực Đông Nam Á, châu Âu.

Về hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, Sở KH&CN Sóc Trăng đã phối hợp với các viện, trường đại học triển khai thực hiện hiệu quả nhiều đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh, phối hợp với một số tổ chức để ký kết các chương trình, biên bản hợp tác có liên quan đến việc phát triển KH&CN. Các đề tài, dự án này đã và đang được ứng dụng, nhân rộng vào thực tế sản xuất và đời sống.

Phát huy thành quả, định hướng tương lai

Sóc Trăng luôn xác định KH&CN là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, ngành KH&CN tỉnh đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu năng suất lao động tăng từ 6,2 - 6,5%/năm vào năm 2025 và 7,2 - 7,5%/năm vào năm 2030; đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong cả giai đoạn đến 2025 khoảng 40% GRDP, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 45% GRDP. Phấn đấu đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 9 - 10 người/vạn dân, đến năm 2030 phấn đấu đạt từ 10 - 12 người/vạn dân; đến năm 2025 số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ tăng trung bình từ 8 - 10%/năm và đến năm 2030 là 10 - 12%/năm; huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN chiếm 46 - 50% vào năm 2025 và chiếm 50 - 55% đến năm 2030; hỗ trợ 100% các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, kết nối với đối tác trong và ngoài nước...

Định hướng đến năm 2030, KHCN và đổi mới sáng tạo của Sóc Trăng sẽ phát triển ở mức khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngành KH&CN tỉnh Sóc Trăng chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý nhà nước nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN. Bên cạnh việc lựa chọn, xác định trọng tâm nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ngành KH&CN tỉnh cũng tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao thành tựu, tiến bộ khoa học, đặc biệt là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất và đời sống, xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ, chia sẻ cơ sở dữ liệu các kết quả nghiên cứu, cung cấp thông tin về các sáng chế; tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; khai thác có hiệu quả nền tảng dữ liệu của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa...

Đồng chí Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng chia sẻ: “Qua 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Sở KH&CN Sóc Trăng luôn nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ KH&CN giao. Từ những thành tựu đạt được, sở đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba giai đoạn 2003 - 2007 và Huân chương Lao động hạng Nhì giai đoạn 2013 - 2017. Bước sang giai đoạn mới với nhiều thời cơ và thách thức, ngành KH&CN tỉnh sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đạt được, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, từng bước đưa KH&CN phát triển lên tầm cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương”.

Tỉnh Sóc Trăng được tái lập từ tỉnh Hậu Giang (cũ) vào năm 1992. Để đáp ứng nhu cầu quản lý, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 81/QĐ.UBT.92, ngày 10/4/1992 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Sóc Trăng, theo đó Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng được thành lập.

Đến ngày 19/11/1993, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 792/QĐ.TCCB.93, Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng được tổ chức lại thành Sở KHCN và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 5/8/2002, Quốc hội khóa XI ra Nghị quyết số 02/2002/NQ-QH11 thành lập Bộ KH&CN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 45/2003/QĐ-TTg, ngày 2/4/2003 đổi tên Sở KHCN và Môi trường thành Sở KH&CN thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để thống nhất cơ cấu tổ chức mới của cơ quan chuyên môn về KH&CN theo quy định của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ra Quyết định số 420/QĐ.TCCB.03, ngày 13/10/2003 đổi tên Sở KHCN và Môi trường tỉnh Sóc Trăng thành Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/so-khoa-hoc-va-cong-nghe-soc-trang-30-nam-xay-dung-doi-moi-va-phat-trien-68762.html