Số phận bi đát của chiếc tàu ngầm nhanh nhất thế giới do Liên Xô chế tạo
Vận hành từ năm 1969, đạt tốc độ tối đa khoảng 83km/h, tàu ngầm hạt nhân Dự án 661 Anchar của Liên Xô, cho đến nay vẫn là chiếc tàu ngầm nhanh nhất thế giới.
Công nghệ đột phá!
Dự án 661 Anchar (NATO gọi là lớp Papa) của Liên Xô được khởi động vào năm 1959, do OKB-16 (nay là Phòng thiết kế chính xác KB Tochmash, Moscow) thiết kế. Chiếc đầu tiên mang mã hiệu K-162 (năm 1978 đổi tên thành K-222) được đặt đóng ngày 28/12/1963, lượng giãn nước 5.200 tấn khi nổi, 7.000 tấn khi lặn, khả năng lặn sâu 400m.
K-222 Anchar, biệt danh "Golden Fish- cá vàng" được đóng với yêu cầu buộc phải có tính sáng tạo, không được sử dụng lại các giải pháp công nghệ, kỹ thuật trước đó.
Đây cũng là chiếc tàu ngầm đầu tiên được chế tạo với thân tàu bằng titanium, thiết kế duy nhất của tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Sputnik dẫn lời chuyên gia Radiy Shmakov, tổng công trình sư thiết kế tàu ngầm, cho biết, titanium có tính chất phi từ tính, nó không bị ăn mòn, trọng lượng nhẹ bằng nửa thép. Trên thực tế, các chuyên gia đã có ý định tạo ra “con tàu vĩnh cửu”.
Theo ông Radiy Shmakov, tàu ngầm Anchar đã được chế tạo theo sơ đồ hai thân, đuôi kép, các tấm titanium được hàn trong môi trường không có ôxy. Thân tàu nhẹ có hình trụ, hai cánh quạt đuôi bố trí cách nhau 5m. Trên mũi tàu có hai khoang. Chiếc tàu dài 107m có chín khoang biệt lập với thủy thủ đoàn hơn 80 người.
Tàu ngầm được tích hợp nhiều thiết bị tiên tiến nhất lúc bấy giờ, trong đó, nhiều thành phần và hệ thống lần đầu tiên được thử nghiệm, như khu phức hợp viễn thông và cáp quang. Một số thiết bị được tự động hóa hoàn toàn, tàu ngầm có khả năng hoạt động độc lập trong thời gian 70 ngày.
Với mục đích tạo ra một "thợ săn hàng không mẫu hạm", do đó, nó được trang bị các loại vũ khí mạnh, bao gồm tên lửa chống hạm Amethyst và 4 ống phóng lôi 533 mm. Tên lửa được phóng từ độ sâu 30m và cò tầm bắn 70km. Anchar có khả năng thực hiện hai đợt phóng trong khoảng thời gian ba phút.
Với những yêu cầu về công nghệ phức tạp, quá trình chế tạo chiếc tàu ngầm hạt nhân đã kéo dài mười năm. Mãi đến tháng 1/1970, tàu ngầm K-222 Anchar mới được đưa vào biên chế Hạm đội Phương Bắc .
Tàu ngầm nhanh nhất
Theo Sputnik, vào ngày 18/12/1970, chiếc tàu ngầm hạt nhân K-222 thuộc Dự án 661 Anchar đã thử nghiệm tốc độ di chuyển. Cuộc chạy thử trên biển đã đạt kết quả đáng kinh ngạc. Ở độ sâu 100m, thủy thủ đoàn đã tắt chế độ bảo vệ khẩn cấp của các tuabin để chúng tiếp tục hoạt động ngay cả trong chế độ giới hạn.
Với công suất của lò phản ứng hạt nhân ở mức 97%, chiếc tàu ngầm đã tăng tốc lên 44,7 hải lý/giờ (hơn 82 km/giờ), mặc dù theo thiết kế kỹ thuật, tốc độ tối đa là 38 hải lý/giờ. Với tốc độ này, K-222 dễ dàng đuổi kịp và qua mặt các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.
Cho đến nay, Anchar do Liên Xô sản xuất vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ di chuyển khi lặn. Tốc độ tối đa của các tàu ngầm hiện đại chạy bằng năng lượng hạt nhân là 35 hải lý/giờ.
Nhưng, tốc độ rất cao của Anchar có tác dụng phụ. Tiếng ồn trong khoang trung tâm lên tới 100 decibel, các thủy thủ không thể chịu nổi khi liên tục ở trong điều kiện như vậy.
Dòng chảy hỗn loạn dọc theo hai bên tàu đã tạo ra tiếng ồn gần như tiếng máy bay, và con tàu mất đi lợi thế chính là khả năng tàng hình. Do quá tải, dòng nước đè bẹp thân tàu ở một số nơi, cửa khoang điều khiển bị xé toạc.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Hải quân Liên Xô rất thích chiếc tàu ngầm tốc độ cao. Sự vượt trội đáng kể về tốc độ cho phép Anchar di chuyển rất nhanh để bắn tên lửa hành trình và né tránh các cuộc tấn công bằng ngư lôi của đối phương.
Sau cuộc chạy thử trên biển và được sửa chữa, vào tháng 3/1971, thủy thủ đoàn của Anchar dự định thiết lập một kỷ lục mới về tốc độ, khởi động lò phản ứng đầy đủ công suất lên 100%, một hành động được coi là điên rồ, nhưng, tàu ngầm chỉ lặp lại thành tích trước đó.
Cùng năm, Anchar đã tham gia "các cuộc đua sinh tồn" ở Đại Tây Dương. Chiếc tàu ngầm Liên Xô đã phát hiện và bám đuôi tàu sân bay Mỹ USS Saratoga. Chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ đã không thể thoát ra khỏi chiếc tàu ngầm dù cố gắng hết tốc độ.
Số phận tàu ngầm hạt nhân Dự án 661 Anchar
Theo kế hoạch, Hải quân Liên Xô phải nhận 10 tàu ngầm Dự án 661 Anchar. Nhưng kế hoạch này không bao giờ được thực hiện. Với yêu cầu vật liệu mới và công nghệ đột phá, chi phí chế tạo Anchar trở nên quá đắt đỏ, lên đến gần 2 tỷ rúp Liên Xô (tương đương gần 3,4 tỷ USD), một con số không thể chấp nhận được trong hoàn cảnh Liên Xô phải đầu tư ngân sách lớn cho quốc phòng.
Ngoài ra, quá trình vận hành thử nghiệm đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng của hệ thống tên lửa. Theo trang mikro-mir, một điều bất thường, tàu ngầm không thiết kế máy phát điện chạy dầu diesel đi kèm lò phản ứng hạt nhân để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.
Cùng với nhiều nhược điểm về thiết bị trên tàu, mức độ tin cậy kém và khó bảo trì, dẫn đến các chuyên gia đã rút ra kết luận, việc hiện đại hóa tàu là không hợp lý. Rốt cục, chỉ một chiếc tàu ngầm duy nhất của Dự án 661 được chế tạo.
Quá trình hoạt động, Anchar hầu như liên tục neo đậu tại căn cứ hải quân hoặc được sửa chữa tại ụ tàu. Chiếc tàu này biến thành "con chuột thí nghiệm" về công nghệ. Đến năm 1988, nó được đưa vào lực lượng dự bị tại Căn cứ Hải quân Belomorsk, Severodvinsk, trong tình trạng cũ nát. Đầu tháng 3/2010, nó bị cắt ra để lấy sắt vụn.