Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 40]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Rabelais Françoise (1494-1553) là nhà văn nhân văn thời Phục Hưng. Tác phẩm chính: Gargantua và Pantagruel (Gargantua et Pantagruel, 1532-1564).

Gargantua và Pantagruel là tiểu thuyết phiêu lưu trào phúng, thể hiện tư tưởng của thời kỳ đầu trào lưu Văn nghệ Phục Hưng Pháp. Qua câu chuyện hai người khổng lồ, Rabelais với giọng châm biếm, đả kích nhân sinh quan Trung cổ, một nhân sinh quan đề cao tôn giáo (thần quyền, ngu dân và cuồng tín, mê tín dị đoan, giáo dục kinh viện nhồi sọ, tu sĩ ăn bám).

Rabelais ca ngợi những quan điểm nhân văn “chủ nghĩa”: con người là trung tâm vũ trụ; yêu trần thế, tò mò, học và hành, tin vào con người có khả năng phát triển vô hạn – đạo lý dựa vào tự nhiên và lý trí. Bằng một ngôn ngữ phóng túng, pha lẫn uyên bác học giả và màu sắc dân gian, Rabelais đã tạo ra nhiều tình huống và nhân vật khôi hài, hoặc điển hình sâu sắc.

Tác phẩm gồm năm tập. Tập I (1534-ra sau tập II) về vua khổng lồ Gargantua. Khi ra đời, Gargantua đã đòi uống ngay. Lớn lên đi Paris học, Gargantua chơi nghịch buộc chuông Nhà thờ Đức Bà vào cổ ngựa làm nhạc. Chiến tranh nổ ra, tu sĩ Jean đánh giặc, được Gargantua thưởng công, cho tu viện Thélème làm theo khẩu hiệu “thích gì làm nấy”. Các tập sau kể chuyện con trai Gargantua.

Tập II (1533) – Khi con Gargantua là Pantagruel ra đời, Gargantua không biết nên cười hay khóc vì vợ đẻ xong thì chết. Pantagruel lớn lên đi học nhiều thứ và làm quen với Panurge, một gã đa mưu, láu lỉnh.

Tập III (1546) – Panurge không biết có nên lấy vợ hay không, hỏi nhiều người mà không xong, Panurge cùng Pantagruel bèn đi hỏi lời phán truyền của “Chai thần”. Tập IV (1548-1552) – Trong cuộc hành trình, gặp bão. Chế giễu La Mã và bọn tu sĩ lười biếng.

Tập V (xuất bản sau khi tác giả chết) – Giễu cợt nha lại, quan tòa. Hành hương tới nơi, lời phán truyền của “Chai thần” là “Trinch”, nghĩa là “Hãy uống đi” (có thể nghĩa là: Hãy say sưa tri thức, khoa học).

* * *

Radiguet Raymond (1903-1923) là nhà viết tiểu thuyết tâm lý (cổ điển). Tác phẩm chính: Quỷ ám (Le Diable au Corps, 1923), Cuộc phiêu lưu của Bá tước d’Orgel (Le Bal du Comte d’Orgel, 1924).

Quỷ ám là tiểu thuyết đầu tay của Radiguet, viết khoảng năm 16-18 tuổi, xuất bản năm Radiguet chết (20 tuổi). Một tác phẩm ít nhiều có tính chất tự truyện, mang dấu ấn thiên tài, thuộc dòng tiểu thuyết Pháp phân tích tâm lý.

Câu chuyện bắt đầu năm 1918 – Françoice, 16 tuổi, tuy còn học trung học, nhưng sống tương đối tự do, vì hoàn cảnh chiến tranh, lại được cha mẹ chiều. Anh gặp cô Marthe, hơn mình hai tuổi, có chồng chưa cưới là Jasques ở mặt trận. Hai bên bắt đầu dan díu với nhau. Jasques về phép làm lễ cưới rồi lại đi. Ở nhà, Marthe và Françoice gặp nhau và ăn nằm với nhau luôn. Françoice còn quá trẻ nên nhiều khi đớn hèn, Marthe phải che chở cho người tình.

Marthe mang thai. Françoice thấy trách nhiệm nặng quá đánh bài lờ. Gia đình Marthe giả đò đứa con đó là của Jasques, nhưng sau khi đẻ ít lâu, Marthe bị bệnh nặng, hấp hối cho gọi Françoice. Françoice không dám đến. Françoice đã sống một chuyện phiêu lưu người lớn với một tâm hồn trẻ con.

* * *

Rimbaud Arthur (1854-1891) là nhà thơ (hình ảnh và âm điệu táo bạo, ảnh hưởng đến phái Tượng trưng và thơ hiện đại). Tác phẩm chính: Thơ (Poésies, 1869-1873), Paris truy hoan (L’Orgie Parisienne, 1871), Con tàu say (Le Bateau Ivre, 1871), Một mùa ở âm phủ (Une Saison an Enfer, 1873).

Con tàu say là bài thơ nổi tiếng nhất của Rimbaud (làm năm 17 tuổi). Mới đầu do Verlaine đăng trong một bài nghiên cứu về Rimbaud (tạp chí Lutèce-1883), rồi sau đưa vào nhiều tuyển tập. Là một thi tài sớm nở tối tàn, chết năm 37 tuổi, Rimbaud chỉ làm thơ từ năm 15-19 tuổi, nhưng ảnh hưởng sâu sắc (nhất là sau 1890) đến trường phái Tượng trưng (quan niệm nghệ thuật chủ trương dùng những hình tượng đặc biệt để biểu hiện những sự việc bản chất hiện thực, những tình cảm, những điều bí ẩn mà cảm giác không thể nhận thức nổi.

Chống lại khuynh hướng hiện thực và tự nhiên chủ nghĩa) và cả thơ của thế kỷ XX, do hình ảnh và âm điệu táo bạo, quan niệm độc đáo. Rimbaud phản đối những giá trị đạo đức, văn hóa xã hội của văn minh tư sản giả dối, ông day dứt, tuyệt vọng, khát khao thoát ly khỏi mọi truyền thống để phát triển cá tính. Trong bài Con tàu say, nhà thơ tự ví mình với con tàu tự do trôi theo dòng nước ra biển khơi, mong muốn tới “những đêm không đáy” phát hiện những cái bí ẩn của thế giới tâm hồn.

Con tàu bồng bềnh qua những rừng nguyên thủy, chứng kiến những màu sắc, hình khối huy hoàng trong cơn mê loạn, để rồi tất cả tan vỡ trong “những tảng sáng ngao ngán”. Lúc đó con tàu tỉnh lại, sẽ không còn theo vết cũ của những sà lan khác, chỉ muốn chìm nghỉm. Bài thơ hòa trộn nhuần nhuyễn những tư liệu văn học và những kỷ niệm thời thơ ấu.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-tay-van-hoa-dong-tay-mot-thoang-van-hoc-phap-ky-40-200315.html