Sớm giao khu vực nuôi trồng lâu dài cho người dân
Thật khó kêu gọi ngư dân đầu tư công nghệ mới nếu không có quyền sử dụng vùng biển đó lâu dài; do đó, ngay sau khi có quy hoạch không gian biển quốc gia, phải sớm giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân; ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội nuôi biển Việt Nam đề xuất.
Tiềm năng rất lớn
Tại tọa đàm “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển - Cơ hội và thách thức” do báo Dân Việt tổ chức ngày 16.8, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, tiềm năng nuôi biển của nước ta về mặt diện tích là rất lớn. Nước ta có 3.260km bờ biển và 1 triệu kilomét vuông mặt biển, có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển được. Trên thực tế ở cả phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và cả vùng Tây Nam bộ đều có thể phát triển nuôi biển. Đối tượng nuôi cũng khá phong phú, từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…), nhóm rong biển… Thời gian qua, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, nghề nuôi biển chiếm trên 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh và đạt trên 20.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Các đối tượng chủ yếu là tôm hùm, cá biển. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao với diện tích khoảng 3.300ha. Các cơ quan chức năng cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới như lồng nhựa HDPE…
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển cho bà con ở Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang và đang tiếp tục triển khai ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Đại diện Trung tâm cho biết, các mô hình đều hướng đến các sản phẩm nuôi có giá trị kinh tế cao như cá song, cá giò, tôm hùm, giáp xác, nhuyễn thể…, nhờ đó diện tích nuôi biển chuyển sang công nghệ mới ngày càng tăng. Tuy vậy, con đường đưa công nghệ từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu về với người dân còn gặp nhiều trở ngại bởi không phải công nghệ nào cũng phù hợp với điều kiện đầu tư của bà con, với từng vùng miền.
Kết hợp nuôi biển với du lịch
Chủ tịch Hiệp Hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, ngành nuôi biển muốn phát triển thì cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ; theo ông Dũng, hiện nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang bị chậm tiến độ. “Chúng ta đều biết thật khó kêu gọi ngư dân đầu tư vào công nghệ mới như lồng nhựa HDPE nếu họ không có quyền sử dụng vùng biển đó lâu dài; do đó, sau khi có Quy hoạch không gian biển quốc gia, phải sớm giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên biển”, ông đề xuất.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam liên quan đến nuôi biển đang trong quá trình xây dựng, tới lúc phê duyệt còn mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, các địa phương cần xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để thực hiện. Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không có sơ sở pháp lý để công nhận.
Việc đánh giá, công nhận các trại nuôi, bè nuôi, ông Dũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đơn vị cấp quốc gia, địa phương đánh giá công nhận tiêu chuẩn trại nuôi để đạt chuẩn. “Chúng ta công nhận như vậy cộng với giao biển thì mới biến đầu tư của dân thành tài sản, lúc đó người dân có dùng tài sản đó để chấp vay vốn ngân hàng”.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group đề xuất, ngành nông nghiệp cần quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với du lịch. Đây là nét đẹp tự nhiên, gia tăng giá trị cho bà con ngư dân. Đơn cử như Hạ Long, đi qua làng chài, thực tế vẫn là các phao xốp, nếu kết hợp được có thể quảng bá du lịch Việt Nam.
Nhắc đến chủ trương của Nhà nước là giảm khai thác và tăng nuôi biển vì nuôi nội địa đã ở mức trần, ông Trần Công Khôi, mong muốn Việt Nam có những “thành phố nuôi trên biển” - ở đó, các lồng bè xếp đều nhau như một thành phố, nếu kết hợp được với du lịch là điều rất tuyệt vời.