Sớm nối thông tuyến đường mang tên Bác

Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án Chợ Chu- Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất...

Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi, đời sống kinh tế địa phương cũng có nhiều khởi sắc.

Việc sớm hoàn thành 171km còn lại để nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó đến Mũi Cà Mau có ý nghĩa rất lớn.

Dự án đường Hồ Chí Minh được ví như xương sống chạy dọc chiều dài đất nước, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng

Dự án đường Hồ Chí Minh được ví như xương sống chạy dọc chiều dài đất nước, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng

Những đổi thay nơi tuyến đường đi qua

Những ngày giữa tháng 8/2022, xe chúng tôi lướt êm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Nghĩa Đàn, Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.

Nắng chớm thu trải vàng trên những cánh đồng cỏ xanh mướt ngút ngàn. Nổi lên dọc bên tuyến đường là trang trại, nhà máy của 2 tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam là TH true milk và Vinamilk.

Trong khi đó, đi qua huyện Tân Kỳ, dọc 2 bên đường là hàng trăm vườn chuyên canh ươm giống cây rừng, bạch đàn và keo…

Đường Hồ Chí Minh cũng là tuyến đường nhựa đầu tiên trên địa bàn huyện Tân Kỳ, là trục giao thông huyết mạch, kết nối các vùng trong địa phương và với các địa phương khác.

Trong khi đó, dọc tuyến đoạn qua các huyện Anh Sơn, Thanh Chương là những đồi chè cao sản xanh mướt, là tiềm năng lớn lao để phát triển nông nghiệp và du lịch.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, kể từ khi tuyến đường được đưa vào xây dựng, đã mở ra một không gian rộng lớn và tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, nơi tuyến đường đi qua hầu hết là vùng rừng thiêng nước độc, giờ đã trở thành nơi trù phú.

“Huyện Thanh Chương có hơn 53km đường Hồ Chí Minh đi qua thì cả vùng nằm 2 bên tuyến đường đã thực sự thay da đổi thịt. Đời sống của người dân được nâng lên từng ngày…”, ông Nhã chia sẻ.

Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Nghệ An dài 132km, đi qua 5 huyện, thị với 119 xã, thị trấn, chiếm 19,47% diện tích toàn tỉnh.

Nơi đây đã và đang hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, với tiềm năng rất lớn như vùng chè Anh Sơn, Thanh Chương, vùng mía, cam, cà phê, cao su Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ…

Tại Thanh Hóa, dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) đoạn qua địa bàn tỉnh dài 130km từ xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành) đến xã Bãi Trành (huyện Như Xuân), được đầu tư xây dựng năm 2001 và hoàn thành năm 2006.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, tuyến đường được xác định là lợi thế quan trọng cho 11 huyện miền Tây xứ Thanh trong việc liên kết phát triển kinh tế - xã hội, du lịch.

“Về mặt giao thông, tuyến đường khi hoàn thành đã chia sẻ lưu lượng phương tiện quá tải trên QL1A, kết nối 11 huyện miền núi và khu vực lân cận. Việc đưa vào sử dụng tuyến đường còn góp phần giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng hóa, đi lại cho người dân, doanh nghiệp”, ông Trung cho biết thêm.

Theo ông Lý Đình Sỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, nếu trước kia chưa có tuyến đường thì địa phương chỉ sử dụng tuyến QL15A đi lên các huyện miền núi phía Tây và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chỉ ở mức cầm chừng. Từ khi có tuyến đường, câu chuyện đã trở nên khác hoàn toàn.

Tại Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2016 với chiều dài là 58,7km, riêng đoạn cuối tuyến dài 7,4km hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018.

Theo Sở GTVT tỉnh Cà Mau, từ khi tuyến đường đưa vào sử dụng đã góp phần tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính (Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ).

Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.

Hoàn thiện thủ tục đầu tư 171km còn lại

Thông tin về tình hình triển khai đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ KH&ĐT, Bộ GTVT cho biết, theo các Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2025, dự án đường Hồ Chí Minh sẽ cơ bản hoàn thành, nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe trên cơ sở sử dụng QL32 và QL21. Tổng chiều dài dự án 2.744km.

Tính đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362km (đạt 86,1%) và khoảng 258km tuyến nhánh, đang triển khai 211km.

Trong đó, hai đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ và Cam Lộ - La Sơn đang được thi công. Đoạn Hòa Liên - Túy Loan và Chơn Thành - Đức Hòa đang chuẩn bị đầu tư.

Đối với khoảng 171km còn lại, thực hiện Nghị quyết số 63/2022 của Quốc hội, Bộ GTVT đã và đang tiếp tục giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Cụ thể, dự án thành phần Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn dài 28,5km đã trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang hoàn chỉnh thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng qua khu vực các tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.

Dự kiến Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2022; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2023. Thời gian khởi công dự kiến vào quý IV/2023 và hoàn thành dự án vào quý IV/2025.

Dự án thành phần đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận dài 55km, Ban QLDA đã hoàn thiện, trình Bộ GTVT thực hiện công tác thẩm định nội bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Mục tiêu đặt ra của dự án là được phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 9/2022; Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2023; khởi công dự án vào quý IV/2023, hoàn thành năm 2025.

Dự án thành phần còn lại là đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến dài 87,5km, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, công tác này sẽ được hoàn thành năm 2023 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư”, ông Thìn thông tin.

Rà soát, cân đối kịp thời nguồn vốn đầu tư

Liên quan đến việc bố trí vốn cho dự án, theo đại diện Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng.

Đến nay, các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 66.330 tỷ đồng; vốn huy động theo hình thức BOT là 10.585 tỷ đồng, hình thức BT là 11.485 tỷ đồng.

Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã cân đối và bố trí đủ để đầu tư các dự án thành phần là 79.022 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2020 đã bố trí 62.316 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Nhà nước 43.728 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng).

Giai đoạn năm 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho Bộ GTVT; mgân sách Trung ương hỗ trợ địa phương 1.600 tỷ đồng thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ (thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ). Riêng 3 dự án thành phần còn lại, tổng mức đầu tư cần khoảng 10.770 tỷ đồng.

Trong đó, hai dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư theo quy mô 2 làn xe để cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng QL32 và QL21. Tổng mức đầu tư cho hai dự thành phần này khoảng 5.570 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để cơ bản hoàn thành năm 2025 khoảng 4.450 tỷ đồng.

Để đảm bảo cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư hai dự án thành phần ưu tiên nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, hạn chế tối đa việc sử dụng dự phòng, chi phí trượt giá; xem xét giãn tiến độ triển khai đối với một số dự án mới chưa quá cấp thiết.

Hiện, Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và điều chỉnh, bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nam Khánh

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/som-noi-thong-tuyen-duong-mang-ten-bac-d564026.html