Sớm tìm đối sách

Đơn hàng sụt giảm mạnh trong những tháng cuối năm - thời điểm vốn là cao điểm của sản xuất công nghiệp - đang đẩy cả doanh nghiệp và người lao động vào tình cảnh khốn khó. Yêu cầu của Ủy ban Kinh tế về việc xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát có lẽ cần được Chính phủ tính toán sớm hơn.

Ba tuần nay, ông Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi), Giám đốc kinh doanh của một công ty ở TP. Hồ Chí Minh chuyên xuất khẩu sợi, lăn lộn khắp các làng nghề ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… để tìm kiếm khách hàng mới. Doanh nghiệp này chuyên kinh doanh loại sợi dùng để dệt vải jean và xuất khẩu là chính. Từ đầu năm nay, đơn hàng chững lại, giảm dần rồi gần như dừng hẳn. “Không còn cách nào khác, chúng tôi phải “Bắc tiến” tìm thêm khách hàng mới ở thị trường nội địa để vượt qua lúc khó khăn và chờ thị trường thế giới hồi phục”. Nói vậy nhưng vị giám đốc này cũng không biết phải cầm cự tới bao giờ và có thể cầm cự được tới bao giờ!

Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên khắp cả nước. Ở “thủ phủ” Đồng Nai, cứ vào dịp cuối năm là đơn hàng rất dồi dào, công nhân liên tục tăng ca mới đáp ứng kịp thời gian xuất hàng. Tuy nhiên năm nay, đa số doanh nghiệp lớn bị thiếu đơn hàng do sức mua ở các thị trường trên thế giới yếu dần, các nhãn hàng thu hẹp hoặc tạm dừng đặt hàng. Ước tính các doanh nghiệp dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, điện tử… đều giảm 20 - 30% đơn hàng, thậm chí hơn thế. Từ đầu quý IV, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc không lương vài ngày trong tuần, nói gì tới chuyện tăng ca. Khả năng thời gian tới sẽ có doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Nếu vậy, số lao động mất việc, đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ dừng lại 30 nghìn người - như địa phương này đã thống kê được từ tháng 5 đến tháng 10.

Dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9.2022 giảm 14,3% so với tháng trước; quý III.2022 giảm 0,5% so với quý II.2022. Nguyên nhân là xung đột giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn cộng thêm giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao trong khi mùa đông ở châu Âu đang bắt đầu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm… Không ai biết những bất ổn này khi nào mới chấm dứt! Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không ai biết khi nào sẽ có đơn hàng trở lại! Doanh nghiệp sẽ còn điêu đứng và người lao động vừa qua cơn bĩ cực Covid lại chuẩn bị đón một cơn bĩ cực khác là thất nghiệp, thiếu việc làm.

Tết đang đến gần! Lo Tết ấm cho người lao động phải là ưu tiên cao nhất lúc này của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể... Cùng với đó, xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát - vấn đề Ủy ban Kinh tế đặt ra trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ gửi tới Kỳ họp thứ Tư vừa qua, có lẽ phải được xem xét và tính toán sớm hơn để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với các mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng; trong đó nhấn mạnh Chính phủ và các cơ quan liên quan phải theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp. Để đưa đất nước vượt qua thời điểm khó khăn về mọi mặt hiện nay, Chính phủ cần khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, tránh tình trạng quyết sách đúng, trúng, kịp thời nhưng triển khai chậm, kém hiệu quả. Và để thúc đẩy tiến trình này, không thể thiếu vai trò giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/som-tim-doi-sach-i308075/