Sống đến ngày nay là nhờ có Đảng, Bác Hồ
Năm 2020, ông Nguyễn Thọ Chân (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã tròn 100 tuổi đời, 82 tuổi Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân và chính những lời Bác dạy như kim chỉ Nam soi rọi cuộc sống, làm việc của ông đến ngày hôm nay.
Người cộng sản kiên trung
Ông Nguyễn Thọ Chân quê ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thời gian hoạt động cách mạng đến năm 1954, ông Chân đã kinh qua nhiều vị trí: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn… Cũng thời gian này, ông nhiều lần bị địch bắt giam, tù đày tại nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo... Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông Chân được cử ra miền Bắc công tác. Ông đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Thanh tra Lao động, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh… Những cơ quan, địa phương nơi ông công tác, đều giành nhiều thắng lợi, thành tựu thời điểm đó. Đặc biệt, năm 1965, khi Quảng Ninh khai thác đạt sản lượng 5 triệu tấn than, ông cùng nhân dân Quảng Ninh vinh dự được đón Bác Hồ về ăn Tết.
Giai đoạn 1967 - 1971, ông Nguyễn Thọ Chân về công tác ở Bộ Ngoại giao, được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô. Trên cương vị đại sứ, ông đã tận dụng hiệu quả tối đa sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của nhân dân Liên Xô dành cho Việt Nam. Sau khi về nước, ông Chân được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ và Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động và đến năm 1981 làm Trưởng ban Thi đua Trung ương và Phó chủ tịch Hội đồng thi đua toàn quốc đến năm 1989 thì nghỉ hưu.
Còn nhớ, tháng 11-2018, Thành ủy TP Hồ Chí Minh trao tặng ông huy hiệu “80 năm tuổi Đảng”. Nhiều đại biểu bày tỏ lòng cảm ơn với những cống hiến to lớn của ông. Ông chỉ mỉm cười, bộc bạch rằng “Tôi sống đến ngày hôm nay, gần 100 tuổi, chính là nhờ có Đảng”. Ông kể rằng, trong kháng chiến, ông có ba lần thoát chết là nhờ đồng chí, đồng đội. Lần thứ nhất khi bị đày ra Côn Đảo, do thiếu ăn, làm nhiều và bị tra tấn, ông ốm nặng, nằm liệt một chỗ. Quản giáo nhà tù tưởng ông đã chết cho lính vứt ra nhà xác. May mắn, có người bạn tù với ông từ thời bị giam ở nhà tù Sơn La vốn là y tá đã phát hiện ông còn sống đã tiêm thuốc và báo cáo quản giáo đưa ông ra. Lần thứ hai khi ra Việt Bắc, đang nói chuyện với Tổng Bí thư Trường Chinh thì bất ngờ ông gục xuống bàn. Biết ông bị sốt ác tính, ông Tổng Bí thư Trường Chinh cho người cáng mấy chục cây số đường rừng đến trạm xá kịp thời. Dù tình trạng của ông rất nặng nhưng đã được các bác sĩ cứu sống. Lần khác, ông bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn cùng bà Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó chủ tịch nước). Được bà Bình nhờ người quen giúp đỡ, ông thoát được án tử. Ông Chân tâm sự: “Nếu không có chị Bình và các đồng chí của mình, có lẽ tôi đã chết từ lâu. Tôi ơn Đảng lắm chứ!”.
Học “giản dị” của Bác là suốt đời
Là người vinh dự được gặp Bác nhiều lần, ông Nguyễn Thọ Chân luôn tâm đắc và thường xuyên răn dạy, nhắc nhở con cháu rằng: “Cái giản dị của Bác, chúng ta phải học cả một đời!”. Năm 1989, về nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh nhưng ông học lối sống giản dị của Bác. Ông vẫn tích cực rèn luyện thân thể, đọc sách, báo hay viết lách. Ngày nay, ông đã bách niên, không còn đi bơi thì cụ tự xoa bóp, cử động tay chân theo những bài tập. Ông cũng thường tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tham gia những sự kiện chính trị của thành phố. Mỗi dịp gặp gỡ các thế hệ trẻ, ông luôn truyền nhiệt huyết cách mạng và những kinh nghiệm cuộc sống để tiếp sức cho công tác giáo dục, rèn luyện tuổi trẻ. Hay những khi con cháu của những bạn tù Hỏa Lò và Côn Đảo với ông khi xưa đến thăm, ông thường kể những mẩu chuyện về Bác để khuyên dạy.
Trong hồi ức của mình, ông Nguyễn Thọ Chân luôn nhớ một câu chuyện Bác dạy cán bộ Hà Nội khi Bác nghe báo cáo về quy hoạch và phát triển Thủ đô, xây dựng trụ sở Trung ương Đảng mới. Lúc ấy, ông Chân đang là Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Bác đã hỏi ông rằng: “Theo chú, Trung ương Đảng xây dựng ở đâu thì tốt?”. Ông chưa dám trả lời thì Bác bảo: “Trụ sở Trung ương Đảng phải xây trong lòng dân mới tốt”. Câu nói của Bác là bài học giáo dục sâu sắc cho đội ngũ cán bộ như ông về tinh thần tự rèn luyện cống hiến và tinh thần lấy dân làm gốc, phải luôn gắn bó máu thịt, liên hệ mật thiết với nhân dân. Cũng như lần trước khi đi lên đường sang Liên Xô làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ông được gặp Bác Hồ và Bác đã căn dặn: “Làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm, cốt nhất là ở lòng chân thành của mình với người ta. Chú làm ngoại giao phải tranh thủ được bạn bè”. Vâng lời Bác dạy, ông đã làm công tác ngoại giao thành công, vận động các bạn bè quốc cùng xuống đường đấu tranh cho hòa bình thống nhất ở Việt Nam.
Với ông Nguyễn Thọ Chân, đã sống là luôn lao động và cống hiến. Ông luôn tự nhận rằng, bản thân sống được đến ngày hôm nay, trong không khí hòa bình là nhờ vào công ơn của Đảng và suốt đời học tập Bác. Ví von bài học dành cho mỗi người bằng hình ảnh phân số, ông Chân phân tích: “Giá trị con người giống như một phân số. Tử số là giá trị nhân dân đánh giá, mẫu số là anh tự đánh giá mình. Nếu dân đánh giá anh được 10, anh tự đánh giá cũng 10 thì giá trị của anh là 1. Nếu dân đánh giá anh 10 mà anh tự đánh giá mình là 100 thì giá trị của anh chỉ còn là 0,1. Thế thì anh phải xem lại mình”.