Sông Hồng đang chết dần
Phóng viên đi dọc đê sông Hồng để ghi nhận những biến đổi và tình trạng ô nhiễm, suy thoái khiến dòng 'sông mẹ' đang dần chết.
Cống Xuân Quan (Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) là công trình quan trọng trong hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Tháng 10/1959, cống Xuân Quan chính thức đi vào vận hành, dẫn nước về đồng ruộng các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần tỉnh Bắc Ninh. Ngày lấy nước vào cống Xuân Quan đã trở thành ngày hội của nhân dân mấy tỉnh thời ấy.
Nhưng theo ghi nhận của PV VTC News tại khu vực cống Xuân Quan sáng 20/3, mực nước xuống thấp, chỉ đạt hơn 1m tại cột thủy chí.
Tại khu vực cống Xuân Quan (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) sáng 20/3, mực nước xuống thấp, chỉ đạt hơn 1m tại cột thủy chí
“Đại thủy nông” bị vô hiệu hóa
Người dân địa phương nói đang diễn ra tình trạng nước chảy ngược từ phía hạ nguồn (sông Bắc Hưng Hải) về phía thượng nguồn (cống Xuân Quan) hướng ra sông Hồng, nguyên nhân là do mực nước ở hạ nguồn cao hơn thượng nguồn.
Trong tình huống này, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải trở nên vô dụng vì chức năng chính là lấy nước phục vụ tưới tiêu, điều tiết lũ của nó đã bị vô hiệu hóa. Các chuyên gia nói chỉ khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, mực nước sông Hồng dâng lên đến 2m thì mới có thể dẫn vào Bắc Hưng Hải.
Bà Trần Thị Năm, chủ vườn hoa gần cống Xuân Quan cho rằng nước tại khu vực này khá bất thường. “Có thời kỳ thì nước đục, thời kỳ thì nước màu xanh nhạt, rồi đen kịt như nước sông Lừ và bốc mùi hôi thối do nước thải từ các khu công nghiệp cũng như nước sinh hoạt, cũng có những thời điểm khu vực này cạn trơ đáy”, bà Năm nói.
Theo bà, mấy năm trở lại đây, nước qua cống chảy về khu Bắc Hưng Hải không có nhiều phù sa. “Chỉ có một lớp mỏng, không đáng kể”, bà mô tả. “Nước nhiều thời điểm ô nhiễm nặng nề, bơm lên tưới cây nào là chết cây đó nên chúng tôi giờ chủ yếu sử dụng nước giếng khoan”.
Nước lẽ ra phải chảy từ sông Hồng vào sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Quan, thì nay lại có tình trạng chảy ngược từ sông Bắc Hưng Hải ra sông Hồng vì “sông mẹ” cạn nước
Nằm cách cửa cống Xuân Quan khoảng 3km, cống Báo Đáp có nhiệm vụ dâng nước theo quy trình để giảm độ chênh lệch mực nước giữa cống Xuân Quan và cống Báo Đáp, tức là mực nước tại sông Hồng và mực nước trong nội đồng, đảm bảo an toàn cho cống Xuân Quan. Khi PV có mặt tại đây, khu vực cống Báo Đáp đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, nước màu đen kịt, đặc quánh và bốc mùi hôi thối. Cửa cống buộc phải đóng để ngăn dòng nước ô nhiễm chảy về phía cống Xuân Quan.
Nước chảy qua cống Báo Đáp (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối
Ông Vũ Văn Giang (Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) cho hay, về mùa hè, nước sông Bắc Hưng Hải còn xanh và có vẻ sạch. “Vào mùa đông và mùa xuân, khi nước sông Hồng cạn thì nước thải đen ngòm ở Gia Lâm lại chảy ngược ra đây”, ông nói.
Rời khu vực cống Xuân Quan, Báo Đáp, PV tiếp tục khảo sát cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Giữ vai trò là cửa dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ để cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh cho 8 quận, huyện thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, tuy nhiên mực nước tại cống Liên Mạc hiện nay rất thấp, dưới mức cột thủy chí có thể đo được mặc dù khu vực này chỉ cách sông Hồng 300m.
Cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là cửa dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ
Ông Bùi Văn Ân (trú tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) nói: “Thời điểm này mực nước ở sông Hồng còn thấp hơn sông Nhuệ nên cống Liên Mạc luôn trong tình trạng đóng để ngăn nước sông Nhuệ thoát ra sông Hồng”.
Mực nước thấp hơn cột thủy chí ở cống Liên Mạc
Trong cuộc trao đổi với PV VTC News, GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi nói gần đây, Bộ NN & PTNT đã cử một đoàn công tác đi khảo sát tại khu vực cống Xuân Quan, công trình đầu mối đại thủy nông Bắc Hưng Hải, lấy nước từ sông Hồng và phát hiện tình trạng ô nhiễm nặng. Nhiều địa phương không thể dùng nước qua đây để sản xuất nông nghiệp. Thay vào đó, họ tích trữ nước mưa để dùng cho việc tưới tiêu.
Sau cuộc khảo sát này, các địa phương trả lời rằng do nhà nước yêu cầu phải phát triển đa dạng ngành nghề thì việc ô nhiễm nguồn nước là điều không thể tránh khỏi. Đa dạng ngành nghề, sử dụng nhiều chất hóa học xử lý công nghiệp, phân bón hóa học… nước thải cho thẳng xuống sông chứ không hề qua xử lý.
Oằn mình dòng sông Mẹ
Không chỉ cạn nước, lòng sông ngày càng hạ thấp, xói lở diễn biến khó lường, ô nhiễm, sông Hồng còn chịu cảnh bị bẻ cong, theo đúng nghĩa đen. Ông Đào Xuân Mạnh trú tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt nói tình trạng sông Hồng gây sạt lở bờ đoạn chảy qua xã Tráng Việt đã diễn ra hàng chục năm. Hai bên bờ luân phiên thay đổi, cứ bên này lở thì bên kia bồi và ngược lại.
Bãi sông Hồng thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội diễn ra tình trạng sạt lở bờ sông và mái đê. Dọc bờ sông nhiều khu vực xuất hiện các điểm nứt toác
Nhưng đó là thứ ông Mạnh nhìn thấy được. Sông Hồng còn có những biến đổi khác dữ dội hơn. PGS.TS Nguyễn Hữu Huế, Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi – Giám đốc Phân hiệu Đại học Thủy lợi (cơ sở TPHCM), trên tạp chí Khoa học và công nghệ thủy lợi (số 53/2019) nhận định: “Hiện nay, sông Hồng đang bị uốn khúc theo xu thế phát triển của lòng dẫn, sông ngày càng trở nên cong hơn. Hiện đã xuất hiện thêm đỉnh cong mới tại khu vực bãi Tráng Việt, huyện Mê Linh. Đỉnh cong tại bãi Tầm Xá vẫn chưa được khống chế, có xu thế phát triển mạnh gây xói lở tại khu vực đường bờ chưa được gia cố”.
Theo ông Huế, hình thái sông (thế sông) biến đổi theo chiều hướng bất lợi. “Thế sông trước năm 1990 là thế sông thuận lợi cho mọi ngành kinh tế, thoát lũ, bảo vệ đê điều, giao thông và phát triển đô thị. Về cảnh quan thế sông trước năm 1990 cũng là thế sông đẹp và cân đối đi giữa thủ đô Hà Nội”, ông viết.
Thế sông Hồng hiện nay (đường màu xanh) và thế sông trước năm 1990 (màu đỏ). Ảnh: Nguyễn Hữu Huế
Để có cái nhìn mang tính hệ thống về sự biến đổi của sông Hồng, PV VTC News đã so sánh hình ảnh vệ tinh chụp đoạn sông từ ngã ba Hồng Đà, nơi sông Đà gặp sông Hồng (Tam Nông, Phú Thọ), về đến cầu Long Biên trong giai đoạn 1989 -2020. Có thể thấy trong giai đoạn 1989-2010, sông không có quá nhiều biến đổi.
Sự thay đổi rõ rệt xuất hiện trong giai đoạn 2010-2020. Dòng sông trở nên “gấp khúc” hơn, sự mềm mại dần biến mất.
Năm 1989 (ảnh: GoogleEarth)
Năm 1995 (ảnh: GoogleEarth)
Năm 2000 (ảnh: GoogleEarth)
Năm 2010 (ảnh: GoogleEarth)
Năm 2020 (ảnh: GoogleEarth)
Chúng tôi cũng so sánh hình ảnh khu vực bãi Tráng Việt trong những giai đoạn 2010, 2015 và 2020.
Khu vực đỉnh cong Tiến Thịnh (trái), Tráng Việt (giữa) và Tầm Xá (phải) trong năm 2010 (ảnh: GoogleEarth)
Khu vực đỉnh cong Tiến Thịnh (trái), Tráng Việt (giữa) và Tầm Xá (phải) trong năm 2015. Độ gấp khúc của dòng sông đã tăng lên rõ rệt (ảnh: GoogleEarth)
Khu vực đỉnh cong Tiến Thịnh (trái), Tráng Việt (giữa) và Tầm Xá (phải) trong năm 2020. Ở bãi Tráng Việt đã hình thành một cù lao, có thể do mực nước sông cạn, biến đổi dòng chảy, hoặc cả hai nguyên nhân kết hợp (ảnh: GoogleEarth)
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huế, thế sông Hồng hiện nay không thuận lợi cho thủy lợi, hoạt động giao thông thủy và phát triển đô thị của thành phố Hà Nội. Hệ lụy do sự bất ổn định lòng dẫn sông Hồng sẽ khiến các hệ thống thủy lợi khó khăn trong việc lấy nước, tăng tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, gia tăng nguy cơ xói lở, gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông và gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/song-hong-dang-chet-dan-ar667451.html