Sông Lô trên lộ trình chuyển đổi số

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Khắc phục những khó khăn, huyện Sông Lô đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Cán bộ bộ phận "một cửa" xã Lãng Công, huyện Sông Lô sử dụng phần mềm điện tử để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Kim Ly

Cán bộ bộ phận "một cửa" xã Lãng Công, huyện Sông Lô sử dụng phần mềm điện tử để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Kim Ly

Là một trong những địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Huyện ủy Sông Lô đã tập trung chỉ đạo, UBND huyện đã ban hành đề án, kế hoạch cho cả giai đoạn để tuyên truyền đến các địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và mọi người dân.

Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số; nắm rõ hơn vai trò, tầm quan trọng và mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với điều kiện của địa phương; hiểu được các công việc khi tiến hành xây dựng chiến lược và thực hiện chuyển đổi số.

Cùng với đó, tuyên truyền nhân dân trong huyện thay đổi thói quen, nhận thức đúng về chuyển đổi số, kinh tế số, góp phần thực hiện định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Trao đổi với phóng viên, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Sông Lô Khổng Thành Quân khẳng định: Ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho các địa phương hướng đến xây dựng một chính quyền hiện đại; đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như quảng bá hình ảnh, sản phẩm, nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, đặc biệt là văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Cũng theo ông Quân: Ngay từ khi bắt tay thực hiện, huyện Sông Lô đã xác định chuyển đổi số là yêu cầu chung của toàn xã hội, bên cạnh vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương, sự tham gia của nhân dân đóng vai trò quan trọng vào thành công của quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số sẽ còn nhiều tiện ích, tiện lợi khác mà cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 mang lại. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ là sự vận động không ngừng nghỉ, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt, học hỏi và làm chủ công nghệ.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô xác định chuyển đổi số là động lực phát triển toàn diện của huyện, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND huyện Sông Lô yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt tổ chức thành công trong chuyển đổi số.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ động tự nghiên cứu, học tập các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số; đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị nhận thức đúng, quyết tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số.

Ngay sau khi được chọn thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã, Lãng Công đã chủ động rà soát hiện trạng trang thiết bị cũng như đường truyền hạ tầng mạng; chú trọng nâng cao trình độ của cán bộ, công chức về công nghệ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về chuyển đổi số. Xã đã đẩy mạnh ứng dụng quản lý văn bản hành chính, giấy tờ, chữ ký số, kịp thời xử lý nhanh các văn bản trên môi trường mạng.

Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: Lãng Công là xã thuần nông còn gặp nhiều khó khăn, việc được chọn là 1 trong 4 xã, thị trấn trong tỉnh thực hiện thí điểm chuyển đổi số của tỉnh sẽ tạo điều kiện cho địa phương hiện đại hóa quá trình giải quyết các văn bản thủ tục hành chính, xây dựng nền nông nghiệp, đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.

Theo thống kê Lãng Công có 10 thôn, 2 dân tộc cùng sinh sống là Kinh và Dao, với gần 1.400 hộ, trên 8.200 nhân khẩu. Hiện nay, 100% thôn, xóm có internet; trên 70% người dân có điện thoại thông minh; 100% cán bộ, công chức có máy tính phục vụ công việc, xử lý tốt việc nhận/gửi văn bản qua phầm mềm quản lý văn bản, thư điện tử công vụ. Phần lớn các điểm, đại lý, cửa hàng, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn xã đã chủ động tạo mã QR code để phục vụ giao dịch hằng ngày.

Theo Chủ tịch UBND xã Lãng Công Nguyễn Chí Dũng: Bên cạnh những thuận lợi, địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa được đầu tư đồng bộ; trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Nhiều người dân chưa biết cách ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ….

Để xây dựng thành công mô hình “xã thông minh”, khắc phục những bất cập trên, thời gian tới, Lãng Công sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Hình thành thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch.

Hoàn thiện hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Không ngừng nỗ lực thực hiện kế hoạch và lộ trình đã được xây dựng cụ thể trong việc triển khai chính quyền điện tử.

Đồng thời, bám sát những kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, của huyện để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/82114/song-lo-tren-lo-trinh-chuyen-doi-so.html