'Sóng ngầm' trong nỗ lực bơm 2,2 nghìn tỷ USD chống Covid-19 tại Mỹ
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD – gói kích thích lớn nhất trong lịch sử.
Đạo luật này là để giúp đối phó với suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch virus corona. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhanh chóng ký kết nó thành luật.
Đạo luật khổng lồ này đã được Thượng viện và Hạ viện gần như nhất trí thông qua. Hành động đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi này đã nhấn mạnh sự coi trọng của các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ đối với các hệ lụy của đại dịch toàn cầu này, đã giết chết hơn 1.500 người Mỹ và làm rung chuyển hệ thống y tế quốc gia.
Nỗ lực lưỡng đảng
"Đất nước của chúng ta phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế và sức khỏe do tỷ lệ (lây nhiễm –pv) lịch sử do đại dịch virus corona, đại dịch tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết khi kết thúc cuộc tranh luận kéo dài ba giờ trước khi cơ quan này thông qua dự luật. "Dù chúng tôi có làm gì tiếp theo thì ngay bây giờ chúng tôi sẽ thông qua luật này".
Đạo luật khổng lồ này cũng đổ hàng tỷ đô la cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế trên tuyến đầu chống dịch.
Nhưng tinh thần lưỡng đảng dường như đã bị đặt dấu chấm hết tại Nhà Trắng. Cả bà Pelosi và Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đều không được mời tham dự lễ ký kết đạo luật này của ông Trump, các phụ tá cho biết
Các nghị sĩ Cộng hòa của họ, Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy và Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã tham dự, cùng với ba thành viên của Đảng Cộng hòa.
"Điều này sẽ mang lại sự cứu trợ khẩn cấp cần thiết cho quốc gia của chúng ta, các gia đình, công nhân và doanh nghiệp của chúng ta", ông Trump nói. "Tôi thực sự nghĩ rằng trong một khoảng thời gian khá ngắn ... chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Hạ viện do phe Dân chủ dẫn đầu đã phê chuẩn đạo luật này thông qua cuộc bỏ phiếu miệng, không chấp nhận yêu cầu từ nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie, người đã tìm cách buộc Hạ viện tiến hành một cuộc bỏ phiếu chính thức.
Để Massie không trì hoãn việc thông qua dự luật, hàng trăm nghị sĩ từ cả hai đảng đã quay trở lại Washington bất chấp nguy cơ mắc phải virus corona. Đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là các chặng đường dài lái xe hoặc các chuyến bay qua đêm.
Một thành viên đã dành hàng giờ trong ô tô là nghị sĩ Đảng Cộng hòa Greg Pence, anh trai của Phó Tổng thống Mike Pence, người được ông Trump phân công phụ trách các nỗ lực xử lý khủng hoảng virus corona.
Ông Greg Pence lái xe gần 600 dặm (966 km) từ quê nhà, Indiana, tới Washington hôm thứ Năm. Ông nói "chúng ta không thể chờ thêm một phút nào nữa".
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa đã yêu cầu các thành viên quay trở lại Washington để đảm bảo sẽ có đủ số phiếu để vượt qua yêu cầu của Massie. Phiên họp được tổ chức theo các quy tắc đặc biệt để hạn chế sự lây lan dịch bệnh cho các thành viên.
Nguy cơ leo thang từ dịch Covid-19
Ít nhất năm thành viên của Quốc hội đã xét nghiệm dương tính với virus corona và hơn hai chục người đã tự cách ly để hạn chế sự lây lan của đại dịch này.
Thượng viện, đã phê chuẩn dự luật trong một cuộc bỏ phiếu đồng thuận rất cao vào cuối ngày thứ Tư, không có kế hoạch trở lại Washington cho đến ngày 20/4.
Các nhà lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa của Hạ viện đã xuất hiện cùng nhau trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội để kỷ niệm việc thông qua dự luật - một sự kiện bất thường đối với cơ quan lập pháp này – vốn bị chia rẽ theo lập trường đảng phái.
"Virus ở đây. Chúng tôi không yêu cầu nó, chúng tôi không mời nó. Chúng tôi không chọn nó. Nhưng với việc thông qua dự luật, bạn sẽ thấy rằng chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu và chúng ta sẽ cùng nhau giành chiến thắng", nghị sĩ Mitch McCarthy nói.
Gói giải cứu này là biện pháp cứu trợ tài chính lớn nhất từng được Quốc hội thông qua.
Đạo luật này trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, bao gồm 500 tỷ USD để giúp các ngành công nghiệp khó khăn và 290 tỷ USD dành cho các khoản thanh toán, có thể lên tới 3.000 USD cho hàng triệu gia đình.
Đạo luật này cũng sẽ cung cấp 350 tỷ USD cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD cho hỗ trợ thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD giúp các bệnh viện và các hệ thống y tế.
Số ca mắc virus corona tại Hoa Kỳ đã vượt quá 100.000 ca vào thứ Sáu, theo một thống kê của Reuters. Và gia tăng thêm sự khó khăn là Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo về số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tăng lên 3,28 triệu người, mức cao nhất từ trước đến nay.