Sống sót sau Covid-19 rồi tiếp tục đi hiến huyết tương cứu bệnh nhân
Nhiều bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 đã tình nguyện đi hiến máu để cung cấp huyết tương cho những người nhiễm khác, giúp họ chiến đấu chống lại virus corona.
Andrew Sherman, người sống sót sau khi nhiễm Covid-19, cuối cùng cũng cảm thấy khỏe hơn. Và một trong những điều đầu tiên mà anh làm là tình nguyện đi hiến huyết tương cho những bệnh nhân đang nguy kịch vì virus corona.
Đến giữa tháng 3, ông Sherman, 52 tuổi, đã phải thở oxy 3 ngày trong một bệnh viện ở thành phố New York. Nhưng may mắn là ông hồi phục và được trở về nhà ở Brooklyn với vợ mình là Jodi Sheeler.
"Tôi cảm thấy mình phải giúp đỡ vào lúc này, khi tôi đã ở phía bên kia của bệnh dịch", ông Sherman nói.
Hiến tương người khỏi giúp điều trị người nhiễm
Nhiều người cũng có cùng lý tưởng với ông Sherman. Bệnh viện Mount Sinai ở New York, nơi ông Sherman tới hiến huyết tương của mình, là một trong 34 cơ sở tại Mỹ tham gia vào dự án Huyết tương Quốc gia Covid-19, với mục đích tìm ra những người vừa hồi phục sau khi nhiễm virus corona và không xuất hiện triệu chứng trong ít nhất 21 ngày sau khi khỏi bệnh.
Các nhà nghiên cứu muốn những người này hiến huyết tương của họ - thứ chứa kháng thể có thể chống lại virus, rồi dùng số huyết tương này truyền cho các bệnh nhân nguy kịch.
"Vấn đề lớn nhất bây giờ là không phải là thiếu người hiến tặng, mà là công tác hậu cần để làm sao để giúp những người muốn hiến tặng có thể thật sự tham gia hiến tặng", ông Artủo Casadevall, giáo sư Trường Y tế Công Bloomberg của Đại học Johns Hopkins, một trong người điều hành dự án, cho biết.
Bệnh viện Mount Sinai cho biết họ nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký trong ngày đầu tiên kêu gọi hiến tặng.
"Phản ứng của công chúng là cực kỳ tích cực, nhưng rất nhiều trong số những email đăng ký là của những ứng viên không phù hợp vào lúc này", theo bà Nicole Bouvier, một thành viên khác điều hành dự án.
Hiến huyết tương cũng tương tự như hiến máu. Máu được đưa vào máy lọc, phân tách để lấy huyết tương trong khi hồng cầu và bạch cầu được trả lại cho người hiến tặng. Các nhà khoa học cho biết các ước tính sơ bộ cho thấy một phần huyết tương được hiến tặng có thể giúp chữa trị 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Họ cũng hy vọng sắp tới sẽ có một sản phẩm nhân tạo tổng hợp của kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Bệnh viện Mount Sinai cho biết đã có 3 bệnh nhân nhận được huyết tương chứa kháng thể chống virus corona do người đã hồi phục hiến tặng.
Bệnh viện Methodist Houston cũng truyền huyết tương cho 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong những ngày gần đây, theo ông James Musser, chủ tịch khoa bệnh lý và y học di truyền của bệnh viện. Các nhà khoa học tin rằng những kháng thể có trong huyết tương của người đã hồi phục sẽ giúp vô hiệu hóa virus. Họ cũng đang nghiên cứu xem lượng kháng thể bao nhiêu là đủ và sự bảo vệ này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Người hiến huyết tương sẽ được xác định bởi các bác sĩ từ khoảng 300 người dương tính với Covid-19 được điều trị tại bệnh viện Methodist Houston. Tiến sĩ Musser cho biết bệnh viện sẽ kêu gọi thêm những người tình nguyện trong thời gian tới.
Người hiến tặng phù hợp phải không có các triệu chứng, từng được xác nhận dương tính với Covid-19 và phải làm thêm xét nghiệm một lần nữa xem có virus trong cơ thể của họ không. Họ cũng phải xét nghiệm máu để biết có nhiễm các virus khác như HIV hay viêm gan B hay không. Để được hiến huyết tương, người hiến tặng cũng phải đạt đủ các tiêu chí về tuổi, sức khỏe và lịch sử đi lại.
Vẫn đau nếu hít thở sâu
Lisse-Anne Pirofski, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Albert Einstein và Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx, New York - một đơn vị khác cũng tham gia dự án, cho biết các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn kháng thể sẽ tồn tại bao lâu trong huyết tương của bệnh nhân Covid-19 hồi phục.
Theo họ, lý tưởng nhất là sử dụng huyết tương từ người có nồng độ kháng thể cao, và điều này thường xuất hiện 3 đến 4 tuần sau khi có triệu chứng.
"Đối với nhiều bệnh truyền nhiễm, kháng thể vẫn còn (trong người bệnh nhân) một thời gian dài. Nhưng với loại virus cụ thể này, chúng tôi không biết thời gian đó là bao lâu", bà Pirofski cho biết.
Ông Chaim Lebovits, người đang làm việc với khoảng 50 giáo sĩ Do Thái ở New York để tìm kiếm các bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm virus, cho biết có hàng trăm người tình nguyện và Trung tâm Y tế Montefiore đã gửi các xe mang thiết bị y tế để xét nghiệm tìm kháng thể trong những người này.
Nếu tìm ra được người hiến tặng phù hợp, khó khăn tiếp theo là đưa họ tới các trung tâm hiến máu. "Bạn cần phải có mặt ở đó để hiến tặng", ông Lebovits nói.
Cuộc sống của ông Sherman từng diễn ra bình thường cho đến ngày 9/3. Hôm đó, ông đưa hai con đến trường và tham dự một lớp học Pilates, ông về nhà bằng tàu điện ngầm, đến buổi trưa, ông cảm thấy chóng mặt và lên cơn sốt. Ông nằm xuống nhưng gặp khó khăn khi đứng dậy.
Đến ngày 14/3, tình hình tệ đi khi ông không thể ra khỏi giường, gặp vấn đề khi thở và chỉ có thể uống nước, vì "những thứ khác đều có vị như trái cây hỏng". Bác sĩ bảo ông đi xét nghiệm nhưng kết quả xét nghiệm bị lỗi và ông lại phải chờ để được xét nghiệm lại.
Đến ngày 16/3, ông chụp X-quang phổi và được chẩn đoán viêm phổi, một ngày sau đó ông xét nghiệm lại Covid-19 và kết quả là dương tính. Nhưng phải tới 3 ngày sau, khi ông thở rất khó khăn và không thể trả lời những câu hỏi của vợ, bác sĩ mới yêu cầu ông đến phòng cấp cứu.
Sau khi được điều trị 3 ngày, tình trạng của ông tốt lên và các bác sĩ cho ông ra viện, nhưng phải ở nhà thêm 10 ngày để theo dõi.
Trở về nhà, ông Sherman cảm thấy may mắn nhưng cảm thấy rõ ràng hậu quả về mặt sức khỏe của virus corona, ông sụt hơn 7 kg và đến bây giờ vẫn thấy đau nếu hít thở sâu.
Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm đến bệnh viện Mount Sinai để hiến tặng huyết tương, ông đã hoàn thành bản điều tra y tế và đang đợi những chỉ dẫn tiếp theo.
"Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì", ông Sherman nói.