Sông Thoa xanh ngát đôi bờ
Sông Thoa - chi lưu lớn nhất của sông Vệ và cũng là con sông đào lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Dòng sông có tên gọi mỹ miều, nữ tính nhưng đóng vai trò quan trọng trong quá trình vỡ ruộng, lập làng của huyện Mộ Đức, hình thành những cánh đồng phì nhiêu được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Quảng Ngãi.
Từ vùng cao phía tây, dòng sông Vệ vượt qua nhiều ghềnh thác đổ về xuôi, đến đoạn cuối thượng nguồn, ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) và xã Đức Hiệp (Mộ Đức) thì mở rộng dòng do đón thêm nước từ nhiều con suối nhỏ của vùng núi rừng Minh Long, Ba Tơ. Chính ở nơi hội thủy này, người xưa đã chọn khơi nguồn cho con sông Thoa, mở một dòng chảy theo hướng tây bắc - đông nam, xuyên qua huyện Mộ Đức gồm các xã Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Thạnh, Đức Tân, Đức Phong, Đức Lân và thị trấn Mộ Đức, rồi chảy về phía nam, đưa nước đến các địa phương thuộc TX.Đức Phổ gồm Phổ Văn, Phổ An, Phổ Minh, Phổ Quang, Phổ Vinh. Đến đoạn Sa Bình thuộc phường Phổ Minh, sông Thoa hợp nước với sông Trà Câu, chảy thêm chừng 2,5km, lại hòa nước với sông Trường, sông Lò Bó rồi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á.
Mỗi khi có dịp đi ngang qua huyện Mộ Đức, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thân quen, gần gũi của phong cảnh đồng quê vùng Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Thạnh, Đức Tân với dòng sông Thoa chảy lượn lờ qua những cánh đồng lúa bát ngát bao quanh những xóm làng hiền hòa ngan ngát hương cau. Xuôi về phía hạ lưu, sông Thoa thông thủy với đầm nước ngọt Lâm Bình qua dòng sông Trường, rồi nhập nước với sông Trà Câu, sông Lò Bó. Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng, mặt nghiêng dòng chảy không cao nên lòng sông mở rộng, kết hợp với nhiều gò nổi, đá nổi cửa sông, hình thành một vùng sông nước bao la hữu tình.
Do kết hợp nhiều nguồn nước, phong phú nhiều sinh vật, dòng sông trở nên đa dạng các loài thủy sản. Từ các loài nhuyễn thể (dăn dắt, trai, hến, hà, trùn nước...), giáp xác (cua, tôm, tép...), đến các loài cá (cá chép, cá lóc, cá hanh, cá đối...). Đây chính là nguồn sống của người dân vùng cửa sông, ven biển xã Đức Lân (Mộ Đức) và các xã, phường Phổ Văn, Phổ An, Phổ Vinh, Phổ Quang, Phổ Minh (TX.Đức Phổ).
Sừng sững ở vùng ngã ba sông là núi Cửa, bên này là sông, bên kia là biển. Nhìn núi từ phía sông, dòng nước lững lờ trôi qua điềm nhiên bóng núi. Nhìn từ biển, núi sừng sững với Bãi Con, gành Đá ngày đêm sóng vỗ. Trên núi đá tảng có dinh Cô, một dấu vết còn lưu truyền của tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt từ phương Bắc theo bước chân người di cư, kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần của người Chăm bản địa. Cách vũng ngã ba sông không xa là cầu Hải Tân bắc qua sông Thoa, nối 2 phường Phổ Minh và Phổ Quang. Cầu Hải Tân được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2020, thay thế cây cầu tre tạm bợ, vừa đi lại khó khăn, vừa phải tháo dỡ rồi làm lại hằng năm. Việc đưa công trình cầu Hải Tân vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với TX.Đức Phổ, kết nối giao thông từ Quốc lộ 1 đi các xã, phường phía đông, tạo điều kiện thuận lợi thông thương hàng hóa và đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và du lịch địa phương.
Ở phía nam cầu Hải Tân là núi Sầu Đâu, nằm trên địa bàn phường Phổ Minh, phía đông nam giáp với xóm Vạn Chài, Bãi Xếp. Núi Sầu Đâu được chọn làm Căn cứ hoạt động chính của các đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Ngãi giai đoạn 1955-1957 và đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2021.
Cửa biển Mỹ Á nằm giữa địa phận phường Phổ Quang và Phổ Vinh, là nơi sông Thoa, sông Trường, sông Lò Bó, sông Trà Câu hòa nước vào nhau trước khi ra biển. Ở đây có làng chài Mỹ Á nổi tiếng với đội thuyền đánh bắt cá hùng hậu bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi, có mặt ở khắp các ngư trường trong Nam, ngoài Bắc, ra tận các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Sự phát triển của nghề đánh bắt trên biển của ngư dân tạo điều kiện phát triển nghề chế biến hải sản truyền thống. Mắm ruốc, mắm dảnh, mắm mực, nước mắm cá cơm, sản xuất và chế biến ở đây đã trở thành những sản phẩm được biết nhiều trong cả nước. Câu ngạn ngữ “Mắm Mỹ Á, cá Vực Tre” cho thấy sự nổi tiếng của mắm Mỹ Á từ xa xưa đến tận ngày nay.
Hạ lưu sông Thoa - cửa biển Mỹ Á là một vùng quê sông - biển ăm ắp những câu ca, lời hát dân gian thắm đượm nghĩa tình, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, tự hào về non sông đất nước, hòa vào trong đó là tâm trạng, tình cảm của người dân sống trong một khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình: “Nắng hòn Ngang nắng về Mỹ Á/ Lộng gió nồm nam thuyền cá quay về/ Anh với em nặng mối tình quê/ Thương nhau chung thủy như ghe chung buồm” (Ca dao Quảng Ngãi).
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202411/song-thoa-xanh-ngat-doi-bo-4bc1b92/