Sống với sông

Long An có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Xưa, những bậc tiền hiền, hậu hiền khai hoang mở cõi, dấu tích của họ còn lưu lại nơi đình, chùa, miếu ven sông. Sông kết nối giao thương, chở nặng phù sa bồi đắp ruộng đồng, tưới tiêu cho những mùa vàng bội thu và chở nặng những phận người gắn bó theo từng con nước. Theo dòng chảy của cuộc sống, nhiều người từ giã kiếp thương hồ lên bờ tìm kế sinh nhai. Nay, trên những dòng sông vắng dần cảnh tấp nập ngược xuôi, trên bến dưới thuyền nhưng ven sông lại nhộn nhịp với những bờ kè lung linh ánh điện, những dự án du lịch sinh thái nhen nhóm. Sự phát triển đó là tất yếu nhưng cần hài hòa trong sự hiểu sông, hiểu nước.

Bài 1: Những mái đình ven sông

Ở miền Tây nói chung và Long An nói riêng, cứ đi dọc sông thỉnh thoảng sẽ gặp những mái đình, cách bờ sông chừng vài chục mét. Đây là nơi “đánh dấu lãnh thổ” của tiền nhân, là chốn sinh hoạt văn hóa, tâm linh. Đồng thời, mái đình còn là chỗ để hậu thế bày tỏ lòng biết ơn, hướng về lối sống thiện lương, tốt đẹp.

Đình thần Hựu Lộc (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước)

Đình thần Hựu Lộc (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước)

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, hơn 300 năm trước, những lưu dân miền Trung đã đến miền Nam khai hoang, lập ấp. Thuở ấy, cảnh vật còn hoang vu, rừng rậm bạt ngàn. Người xưa không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột của cường hào, ác bá nên bỏ xứ mà đi,... Họ dong thuyền dọc bờ biển, thấy cửa sông thì rẽ vào, thấy chỗ nào dễ sống thì neo lại. Cảnh muỗi mòng, rắn rết, bùn lầy, nước đọng,... càng trui rèn thêm ý chí của ông cha.

Chúng tôi có điều kiện đi nhiều nơi trong tỉnh, đến thăm nhiều mái đình ven sông. Hỏi các bậc lão niên, đa phần họ chẳng biết đình làng có từ khi nào, chỉ biết từ hồi nhỏ đã thấy người lớn thành kính với đình. Trong quá trình sống mấy chục năm, họ chứng kiến nhiều sự việc quanh đình rồi đúc rút, chiêm nghiệm để càng yêu kính hơn, quý mến hơn truyền thống văn hóa quê mình.

Lễ hội cúng đình còn gọi là Kỳ yên (cầu an). Cũng theo Gia định thành thông chí, lễ cúng đình tổ chức trong 2 ngày. Ngày đầu tiên diễn ra lễ Thỉnh sắc (Rước thần) và Túc yết (lễ Túc yết bắt đầu lúc nước sông dâng cao nhất để tiện đi lại, kịp giờ nghênh tiếp, ra mắt thần). Ngày thứ 2 diễn ra 2 lễ chính là lễ Chánh tế (ca ngợi trời đất, cảm tạ Thành hoàng Bổn cảnh đã phù hộ cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an); lễ Tế tiền hiền, hậu hiền, các anh hùng, liệt sĩ địa phương. Như vậy, có thể thấy, qua việc thành lập đình, cúng đình đã cho biết đối tượng thờ cúng và truyền thống, nghĩa tình của dân ta xưa và nay.

Ông Phan Văn Nết (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) kể về đình thần Hựu Lộc

Ông Phan Văn Nết (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) kể về đình thần Hựu Lộc

Chúng tôi đến Long Hựu Tây, một xã thuộc vùng hạ của huyện Cần Đước. Xứ này 3 mặt giáp Vàm Cỏ Tây, khúc sông ngang đây uốn lượn ôm lấy đất. Con đường đê cặp sông nay đã được chính quyền rải đá xanh, sình không dính chân, người dân an tâm sinh sống.

Đình thần Hựu Lộc (nằm ấp Hựu Lộc) cạnh đường, cách bờ sông chừng vài chục thước. Hỏi thăm đời sống người dân, họ phấn khởi kể về sự đổi thay của đất, của người. Hỏi thăm đình, họ đổi giọng nghiêm trang, nói “linh lắm à nghen!”. Họ chỉ chúng tôi đến nhà ông Phan Văn Nết (tám Nết), người từng quản lý ngôi đình. Nhà ông tám Nết cách đình mấy đám ruộng. Nghe chúng tôi hỏi thăm đình, ông niềm nở: “Mấy chú còn nhỏ mà quan tâm chuyện này là quý lắm!”. Ông tám Nết vui là phải, bởi ở tuổi 85, ông biết mình chẳng còn nhiều thời gian để có dịp kể chuyện cho hậu thế.

Theo ông tám Nết, việc giữ đình đối với ông rất ý nghĩa, thiêng liêng. Xưa còn nghèo, đình thần Hựu Lộc làm bằng cây, lá. Nay, nhờ chính quyền và bá tánh thập phương góp sức mà đình khang trang, sạch đẹp. Để bày tỏ lòng kính thành với bề trên, người dân rất có ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan quanh đình.

Hồi đó, tới ngày cúng đình (12, 13 tháng Chạp), người dân khắp nơi đổ về, người đội xôi, người đội trái cây, áo dài chỉnh tề, nghiêm trang. Họ ăn chay, nằm đất 3 ngày 3 đêm; người dân rước đoàn hát bội về hát vui vẻ, náo nhiệt.

Thời chiến tranh, quân giải phóng trú tại đất Long Hựu này, giặc biết tin cho tàu vô càn quét. Thế nhưng không hiểu sao tới giữa sông thì cả 3 chiếc đều chết máy. Không còn cách nào khác, chúng nã đạn loạn xạ vô bờ làm cây cối đổ rạp, tan hoang. Thế nhưng ngôi đình vẫn vững vàng, không sứt mẻ chút nào.

Ông tám Nết nói, nhờ tàu chết máy, nếu không quân và dân ta nguy to, bởi giặc trang bị hiện đại lắm. Hồi trước, có người hứa hẹn với thần, sau khi được việc sẽ cúng đình nhưng lại lật lọng. Sau đó, người này bị tai nạn qua đời.

Theo ông Tám Nết, chẳng phải thần thánh cần lễ vật nhưng sẽ trừng trị thói gian ngoa, tráo trở, làm việc xằng bậy, hại dân, hại nước. Từ những chuyện linh thiêng, người dân lấy đó làm tin, sống chan hòa, nhân ái. Dẫu cuộc sống đôi lúc còn khó khăn nhưng vẫn bảo nhau “trên đầu 3 thước có thần”.

Đâu chỉ ở Hựu Lộc, khi chúng tôi đến ấp 1+3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, gặp bà hai Thơm, bà cũng kể về sự linh thiêng của mái đình sát bên nhà mà người dân quen gọi là chùa Ông nhưng không thờ Phật. Vài nơi chưa có sự phân biệt rõ ràng trong cách gọi (tại ấp 5, xã Nhựt Chánh, nhiều người vẫn gọi Thánh thất Cao Đài là chùa) nhưng thiết nghĩ điều này không ảnh hưởng nhiều đến sự kính thần, hướng đến điều tốt đẹp.

Chùa Ông (ấp 1+3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ)

Chùa Ông (ấp 1+3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ)

Bà hai Thơm năm nay ngoài tuổi 70, trừ lúc chạy tản cư thì hầu như cả đời bà gắn bó với sông Vàm Cỏ Đông. Hồi trước, bà xắn lạt dừa bán, giờ thì mần 2 công đất lát. Bà hai Thơm nói: “Nhờ Ông phù hộ nên cũng đủ ăn”. Mỗi khi đau nhức, bà qua chùa quỳ vái cho mạnh tay khỏe chân, đặng đi mần nuôi con. Xưa, tương truyền gần chùa Ông có một lối đi bí mật, hễ chiến sĩ ta bị giặc truy đuổi, tới đây là không thấy tăm hơi. Nhiều việc linh thiêng nối tiếp khiến bà Thơm tin tưởng. Mỗi khi làm gì, nghĩ gì sai quấy, bà đều sợ thần quở phạt, nên thôi. Từ đó, bà khuyên dạy con cháu sống đàng hoàng, nhân ái với mọi người.

Trong quá trình trò chuyện, thấy chúng tôi "mắt tròn mắt dẹt" tỏ vẻ chưa tin, các cụ gạt liền: “Mấy chuyện này đâu ai dám giỡn”. Họ chưa thấy thần hiển linh, càng không biết những bậc tiền hiền, hậu hiền là ai cả nhưng họ vẫn kính ngưỡng, tôn thờ. Họ đồng hóa điều thiện lương, cái tốt đẹp với thần, lấy đó làm “kim chỉ nam” để sống. Họ biết rằng, có xưa mới có nay. Họ chẳng những kính người mà còn thương cả dòng sông gần đó. Bởi sông đã cho họ, quá nhiều…/.

(còn tiếp)

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/song-voi-song-a183010.html