'Steve Jobs Trung Quốc' tin Xiaomi sẵn sàng cạnh tranh với Tesla của Elon Musk
Lei Jun, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hãng smartphone Xiaomi, cho biết ông sẵn sàng đưa chiếc ô tô điện đầu tiên của công ty ra thị trường sau khi chi hơn 10 tỉ nhân dân tệ (1,4 tỉ USD) để phát triển nguyên mẫu với đội ngũ 3.400 kỹ sư.
Trong cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Lei Jun (Lôi Quân) cho biết ông được truyền cảm hứng từ Steve Jobs - người đồng sáng lập Apple.
Được mệnh danh là “Steve Jobs Trung Quốc”, Lôi Quân nói ông tin tưởng rằng những chiếc ô tô điện Xiaomi đầu tiên, với chi phí phát triển cao gấp 10 lần mức trung bình của ngành, sẽ có khả năng cạnh tranh trong một thị trường đông đúc, gồm cả Tesla của Elon Musk.
Lôi Quân lo lắng về sự chào đón có thể không nồng nhiệt với xe điện Xiaomi, nhưng cũng lo ngại rằng nếu nhu cầu tăng cao thì năng lực sản xuất của công ty có thể không đủ đáp ứng, khiến người mua phải chờ đợi từ một hoặc hai năm.
Vẫn còn phải xem liệu Lôi Quân có thể lặp lại thành công với ô tô điện như từng có được trên thị trường smartphone hay không.
Tỷ phú 54 tuổi người Trung Quốc đã thành lập Xiaomi vào năm 2010 trong một thị trường điện thoại di động có nhiều đối thủ nổi bật. Theo công ty nghiên cứu IDC, Xiaomi hiện là nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ ba trên thế giới theo số lượng giao hàng.
Lôi Quân nói rằng đến đầu tháng 11, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) đã bán được hơn 1 triệu chiếc smartphone Xiaomi 14, sản phẩm cao cấp mới nhất mà họ ra mắt ngày 26.10. Để so sánh, Apple đã bán khoảng 3 triệu chiếc dòng iPhone 15 tại Trung Quốc trong tháng đầu tiên kể từ ngày ra mắt, theo công ty nghiên cứu Canalys.
Xiaomi đang cố gắng khơi dậy sự phấn khích về các mẫu ô tô điện sắp ra mắt của mình là SU7 và SU7 Max. Doanh nhân Lôi Quân đã thu hút sự chú ý của người dân địa phương vào tháng trước sau khi quyên góp 1,3 tỉ nhân dân tệ cho trường cũ là Đại học Vũ Hán.
Thị trường ô tô điện đông đúc của Trung Quốc có 200 hãng, từ các công ty ô tô thông thường đang nỗ lực chuyển sang xe điện, nhà sản xuất ô tô điện thuần túy như Tesla cho đến những gã khổng lồ công nghệ như Huawei.
Xiaomi có kế hoạch tung ra ô tô điện thông minh có công nghệ tự lái, tự đỗ xe và điều khiển kích hoạt bằng giọng nói. Giống như ở nhiều quốc gia, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều thủ tục pháp lý khác nhau và Xiaomi đang chờ chính phủ chấp thuận để tự sản xuất ô tô điện. Ngoài ra, công ty cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác để đưa ô tô điện của mình ra đường sớm hơn.
Theo các báo cáo gần đây, Xiaomi đang đàm phán với một số nhà sản xuất ô tô, gồm cả Brilliance Auto, Chery và Beijing Automotive Group. Chưa biết Xiaomi cuối cùng sẽ hợp tác với công ty nào và theo những điều khoản nào.
Trên thực tế, Xiaomi đã đầu tư đáng kể vào công nghệ ô tô điện và tuyển dụng một đội ngũ kỹ sư lành nghề cho các dự án của họ.
Quan hệ đối tác với một nhà sản xuất ô tô uy tín có thể giúp Xiaomi đẩy nhanh các kế hoạch ô tô điện của mình. Xiaomi có thể tận dụng chuyên môn của nhà sản xuất ô tô này trong sản xuất, thiết kế, vật liệu và quản lý chuỗi cung ứng. Nhà sản xuất ô tô này cũng có thể hưởng lợi từ chuyên môn của Xiaomi trong lĩnh vực phát triển phần mềm và điện tử tiêu dùng.
Lôi Quân bắt đầu kinh doanh vào năm 1991 để phát triển bộ công cụ phần mềm tại nơi làm việc tương tự như Microsoft Office, trước khi dấn thân vào ngành công nghiệp smartphone. Năm 2021, Lôi Quân gọi việc Xiaomi đẩy mạnh vào lĩnh vực thị trường ô tô điện là “lĩnh vực kinh doanh cuối cùng trong cuộc đời tôi”.
Thị trường ô tô điện Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, tổng sản lượng ô tô điện trong 11 tháng đầu năm 2023 đã tăng 27,7% so với cùng kỳ 2022 lên 8,05 triệu xe. Điều này đưa Trung Quốc trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới.
Dữ liệu chính thức cho thấy chỉ riêng trong tháng 11, sản lượng xe sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc đã tăng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước, vượt mốc 1 triệu chiếc (đạt 1,01 triệu chiếc).
Hồi tháng 8, Lôi Quân cho biết iPhone vẫn là chuẩn mực ở phân khúc cao cấp trên thị trường ĐTDĐ toàn cầu. Ông hạ thấp mục tiêu đã nêu trước đây của Xiaomi là trở thành nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2024.
"Chỉ bằng cách so sánh với iPhone, chúng ta mới có cơ hội để đuổi kịp và vượt qua nó một ngày nào đó”, Lôi Quân nói. Tỷ phú công nghệ nhắc đến thiết bị hàng đầu của Apple nhiều lần trong bài phát biểu thường niên của mình tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong buổi diễn thuyết cá nhân kéo dài 3 giờ của mình, Lôi Quân đã được khoảng 3.500 khán giả cổ vũ khi ông chia sẻ những câu chuyện cá nhân và khẳng định lại cam kết của Xiaomi trong việc theo đuổi Apple ở phân khúc cao cấp trên thị trường smartphone.
“Cạnh tranh cực kỳ khốc liệt trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Hướng đến phân khúc cao cấp của thị trường smartphone buộc chúng tôi phải tìm kiếm những bước đột phá trong công nghệ, đồng thời đảm bảo sự phát triển và tồn tại của chúng tôi trong tương lai”, Lôi Quân cho hay.
Ngoài việc nhắm mục tiêu đến Apple, bài thuyết trình từ Lôi Quân phản ánh nỗ lực của Xiaomi trong việc cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các đối thủ Trung Quốc tại quê nhà, thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Thị trường smartphone Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trở lại vào quý 4/2023 và tiếp tục cải thiện trong 2024, đạt mức tăng trưởng hàng năm đầu tiên sau ba năm, theo dự báo thị trường vừa được hãng IDC công bố.
Trung Quốc dự kiến sẽ xuất xưởng 287 triệu chiếc vào năm 2024, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2023, nhờ nền kinh tế vĩ mô cải thiện và nhu cầu của người tiêu dùng với các thiết bị tốt hơn, theo báo cáo của IDC.
IDC cho biết thêm, đây sẽ là mức tăng trưởng hàng năm đầu tiên trên thị trường smartphone Trung Quốc kể từ 2021. Số lượng smartphone được vận chuyển trong những năm tiếp theo dự kiến sẽ vẫn ổn định.
Theo IDC, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến việc nâng cấp lên các smartphone có nhiều bộ nhớ hơn và sự cạnh tranh khốc liệt giữa những thương hiệu trong nước này sẽ thúc đẩy việc tung ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn vào năm 2024.
Ngành công nghiệp smarphone Trung Quốc phải đối mặt với áp lực những năm gần đây do nhu cầu của người tiêu dùng giảm do tác động tiêu cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và những ảnh hưởng liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên, nó đã có dấu hiệu phục hồi trong quý 4/2023 nhờ sự chú ý quanh dòng Mate 60 mới nhất của Huawei và các chương trình khuyến mãi trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân hồi tháng 11.
Theo IDC, số lượng smartphone xuất xưởng trong quý 4/2023 tại Trung Quốc có thể sẽ tăng lần đầu tiên sau 10 quý.
Cạnh tranh trở nên gay gắt kể từ khi Huawei trở lại phân khúc 5G cao cấp với smartphone Mate 60 Pro và Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 9, tiếp theo là dòng Mi 14 hàng đầu của Xiaomi đạt doanh số 1 triệu chiếc sau chưa đầy hai tuần kể từ khi trình làng vào tháng 10.