Sự bất thường đang xảy ra với núi Phú Sĩ của Nhật Bản
Ngọn núi Phú Sĩ, biểu tượng Nhật Bản đang rơi vào trạng thái khiến nhiều người e ngại.
Cơ quan thời tiết cho biết tính đến tháng 11, núi Phú Sĩ vẫn không có tuyết - đây là ngày muộn nhất mà những sườn núi hùng vĩ của ngọn núi này không có tuyết kể từ khi bắt đầu ghi chép cách đây 130 năm.
Lớp tuyết phủ trên núi lửa thường bắt đầu hình thành vào ngày 2 tháng 10, năm ngoái tuyết lần đầu tiên được phát hiện tại đây vào ngày 5 tháng 10. Nhưng vì thời tiết ấm áp nên năm nay vẫn chưa có tuyết rơi trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản, Yutaka Katsuta, một nhà dự báo tại Văn phòng Khí tượng Địa phương Kofu cho biết.
Ông cho biết đây là ngày muộn nhất kể từ khi dữ liệu so sánh có sẵn vào năm 1894, phá vỡ kỷ lục trước đó là ngày 26 tháng 10 - được thấy hai lần, vào năm 1955 và sau đó là năm 2016.
"Nhiệt độ cao vào mùa hè này và mức nhiệt cao này tiếp tục kéo dài đến tháng 9, ngăn chặn không khí lạnh mang theo tuyết", Katsuta nói với AFP. Ông đồng ý rằng biến đổi khí hậu có thể có tác động nhất định đến sự chậm trễ trong quá trình hình thành lớp tuyết phủ.
Mùa hè năm nay của Nhật Bản là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận - ngang bằng với mức nhiệt ghi nhận vào năm 2023 - khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu bao trùm nhiều khu vực trên toàn cầu.
Núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết hầu như quanh năm, nhưng trong mùa leo núi từ tháng 7 đến tháng 9, có hơn 220.000 du khách leo lên những sườn núi đá dựng đứng của ngọn núi này. Nhiều người leo núi suốt đêm để ngắm bình minh từ đỉnh núi cao 3.776 mét.
Tuy nhiên, năm nay có ít người leo núi đến núi Phú Sĩ hơn sau khi chính quyền Nhật Bản áp dụng mức phí vào cửa và giới hạn số lượng người leo núi hằng ngày để hạn chế tình trạng du lịch quá mức.
Ngọn núi đối xứng này đã được bất tử hóa trong vô số tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả tác phẩm "Sóng lớn" của Hokusai. Lần phun trào gần đây nhất của nó là vào khoảng 300 năm trước.