Sự chậm trễ của chính quyền các cấp kìm hãm phát triển kinh tế TP.HCM
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có cơ chế giải quyết kịp thời khối lượng công việc rất lớn ở TP.HCM. Sự chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm phát triển kinh tế.
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trong phiên họp Quốc hội chiều 26/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM), nêu nhiều lý do đề xuất Quốc hội cho áp dụng ngay mô hình này mà không cần thí điểm.
6 năm trải nghiệm, đủ khả năng khắc phục vấn đề phát sinh
Theo ông Nhân, TP.HCM diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9%, nhưng kinh tế đóng góp 22%, nên áp lực quản lý rất lớn về mặt công việc.
Thành phố hiện có 5 quận với dân số 500.000-800.000 người/quận, cho thấy số đầu việc phát sinh hàng ngày của cấp này rất lớn.
“Về mặt cường độ kinh tế, trên 1 km2, thành phố tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước. Như vậy, những hoạt động này phải được đáp ứng nhu cầu phát sinh, giải quyết kịp thời. Sự chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế”, ông Nhân nói.
Ông cho rằng xử lý chậm các vấn đề là gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. Nếu thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp quyết định nhanh hơn, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và các phường. Nếu cơ chế không đáp ứng thì việc thay thế người này do UBND, HĐND thành phố thực hiện sẽ nhanh hơn.
Nguyên Bí thư TP.HCM khẳng định có thể thực hiện ngay mà không cần thí điểm, đồng thời đưa ra nhiều nguyên nhân minh chứng cho điều này.
Trước hết, TP.HCM đã có hơn 6 năm thí điểm không có HĐND của cả 24 quận và huyện, 259 phường, xã. “Những vấn đề chúng ta lo lắng có thể phát sinh, TP đã trải nghiệm 6 năm rồi, vì thế sẽ có đầy đủ khả năng khắc phục vấn đề có nguy cơ”, ông Nhân nói.
Về tính dân chủ, ông Nhân cho biết so với cơ chế 10 năm trước có HĐND, đại biểu Quốc hội giám sát, nay TP.HCM có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát như Đảng giám sát chính quyền cao cấp; thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân.
Một cơ chế giám sát khác là thành phố đã có phương thức thực hiện đô thị thông minh, người dân có thể dùng điện thoại di động, nhắn tin email để báo cho chính quyền các cấp những vấn đề liên quan người dân.
Bên cạnh đó, hàng năm, Thường vụ Thành ủy cùng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của 4 cơ quan Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể.
Thực tế, ông Nhân cho biết vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố cũng như UBND thành phố đã phân cấp 55 đầu việc thuộc trách nhiệm cấp thành phố cho quận, huyện, sở, ngành, để việc quyết định được nhanh hơn.
“Dù Quốc hội cho phép nghị quyết thực hiện chính quyền đô thị không có chữ ‘thí điểm’ thì trách nhiệm của thành phố, cấp ủy, chính quyền sau 3 năm phải sơ kết báo cáo Quốc hội, sau 5 năm tổng kết, nếu có nội dung chưa phù hợp sẽ kiến nghị Quốc hội cho sửa đổi hoặc cùng sửa với đánh giá thí điểm của Hà Nội, Đà Nẵng”, ông Nhân nói.
Không cần thí điểm, tránh lãng phí thời gian và nguồn lực
Ủng hộ việc TP.HCM tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng việc này là phù hợp hoàn toàn với quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, TP.HCM đã thông qua quá trình thí điểm và tổng kết thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm nên không nhất thiết phải tiến hành thí điểm, tránh lãng phí về thời gian, nguồn lực.
“Nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM lần này phải đạt được mục tiêu là tạo điều kiện tốt nhất để địa phương phát triển ổn định, làm tốt vai trò là một trọng điểm kinh tế, có đóng góp quan trọng hơn cho phát triển chung của đất nước”, ông Sơn kỳ vọng.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng nêu nhiều lý do ủng hộ TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị mà không cần thí điểm.
Trước hết, do Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 đã trao cho Quốc hội thẩm quyền quyết định trường hợp cụ thể không tổ chức cấp chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, TP.HCM khác với Hà Nội và Đà Nẵng vì đã có gần 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả quận, huyện, phường. Việc này được đánh giá là có hiệu quả.
“Với Hà Nội và Đà Nẵng, nếu không thí điểm sẽ vướng cả về cơ sở pháp lý và bài học thực tiễn. Trong khi đối TP.HCM lần này, mọi vướng mắc tương tự đã không còn, không có lý do gì chúng ta không mạnh dạn đồng ý để địa phương thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị mà không thực hiện thí điểm”, ông Hùng nêu quan điểm.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), khi không thực hiện HĐND ở quận, phường, bộ máy TP.HCM sẽ hoạt động năng động, quản lý đô thị một cách hiệu quả hơn, cơ chế hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước tốt hơn.
“Đây cũng là điều kiện để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, giảm thời gian giải quyết công việc”, ông Phương phân tích.
Song ông cũng nêu một số hạn chế như có sự xáo trộn trong tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền quận, phường và trong phân cấp quản lý giữa các cấp. Bên cạnh đó, tâm tư, nguyện vọng của những người đang công tác ở quận, phường sẽ bị tác động. Dù vậy, ông vẫn kỳ vọng Nghị quyết này sẽ được ra đời, tạo động lực cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.
Nữ đại biểu tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Xuân Thu phân tích ưu điểm của mô hình này là bộ máy chính quyền tinh gọn, không còn cấp HĐN quận, huyện, phường, xã, tất cả mọi việc thông qua HĐND thành phố sẽ giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo nhanh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nhược điểm của mô hình này là sẽ làm giảm vai trò giám sát quyền lực của Nhà nước, dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời làm tăng khối lượng công việc cho HĐND cấp thành phố.
“Nhưng cốt lõi là làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của thành phố; Làm thế nào để hệ thống chính trị, chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tăng cường phân cấp”, nữ đại biểu nhấn mạnh.
Bà đề xuất Quốc hội cho thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM ngay trong kỳ họp này.