Sử dụng AI để gian lận trong bài tập coi chừng hậu quả nghiêm trọng

Theo các chuyên gia, việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ AI để gian lận trong bài tập là vi phạm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sinh viên.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Ngày 2/11, Trường ĐH Thương mại tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về Kế toán & Kiểm toán lần thứ 6 (VCAA 2024).

Đến từ Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), ThS Nguyễn Thị Anh Phương và TS Bùi Tiến Dũng đề cập, việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ AI để gian lận trong bài tập là vi phạm tính chính trực trong học tập và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sinh viên.

Điều quan trọng là, sinh viên phải hiểu được tầm quan trọng của việc trung thực và độc đáo trong các hoạt động học tập của mình và tham gia vào việc học của mình một cách chính trực.

Vấn đề gian lận trong học tập không phải là một hiện tượng mới, nhưng sự gia tăng tính sẵn có của công nghệ đã khiến sinh viên dễ dàng tham gia vào hành vi này. Trên thực tế, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận của sinh viên khi sử dụng công nghệ ChatGPT trong học tập.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Quan tâm đến giải pháp phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực giáo dục đại học, chuyên gia Bùi Hoàng Việt - Trường ĐH Lao động xã hội nhìn nhận, AI từng bước thay đổi cách dạy và học.

Các công cụ hỗ trợ bởi AI giúp giáo dục trở nên hiệu quả hơn, được cá nhân hóa và dễ tiếp cận hơn. Để ứng dụng AI một cách hiệu quả và bền vững, cần nhìn nhận tổng quan về AI trong ngành giáo dục.

Việc hiểu về AI và những thay đổi tích cực mà AI đem lại cho giáo dục, những thách thức, rào cản khi ứng dụng AI; từ đó, đề xuất một số giải pháp chủ yếu để khắc phục khó khăn, góp phần hiện thực hóa tiềm năng của AI trong ngành giáo dục.

“AI đã mang lại nhiều cơ hội mới cho giáo dục, nhưng cũng đặt ra những thách thức cần được giải quyết” – chuyên gia Bùi Hoàng Việt nhìn nhận. Để tối ưu hóa việc sử dụng AI trong giáo dục, người học không nên quá lạm dụng việc sử dụng công cụ này. Người dạy cần kết hợp hài hòa giữa công nghệ mới và phương pháp giảng dạy truyền thống.

 PGS. TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS. TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo chuyên gia Bùi Hoàng Việt, cả người học và người dạy chỉ nên sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để tổng hợp thông tin và gợi ý, không nên hoàn toàn dựa vào nó cho các quyết định quan trọng.

Để phát triển và ứng dụng AI vào lĩnh vực giáo dục đại học một cách hiệu quả, cần có chiến lược toàn diện bao gồm nhiều giải pháp khác nhau như: Xây dựng hạ tầng công nghệ và dữ liệu; đào tạo và nâng cao kỹ năng cho giảng viên; cá nhân hóa học tập và giảng dạy; hợp tác và chia sẻ nguồn lực; phát triển chính sách và khung pháp lý; đánh giá và cải tiến liên tục; tăng cường tính linh hoạt trong học tập; thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong giáo dục; tăng cường tính tương tác và trải nghiệm học tập.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

“Việc phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và chiến lược. Bằng cách đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển các chính sách phù hợp, các trường đại học có thể tận dụng AI để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho tương lai giáo dục trong kỷ nguyên số” – chuyên gia Bùi Hoàng Việt trao đổi.

VCAA là hội thảo quốc gia thường niên được tổ chức luân phiên tại các trường đại học trên cả nước. PGS.TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho hay, chủ đề của hội thảo là “Các vấn đề đương đại trong Kế toán & Kiểm toán”.

 Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các trường đồng tham gia, các diễn giả và nhà tài trợ.

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các trường đồng tham gia, các diễn giả và nhà tài trợ.

VCAA 2024 có sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, quản trị, tài chính, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp có liên quan, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ở các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán trên cả nước.

Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: Các vấn đề đương đại trong kế toán; Các vấn đề đương đại trong kiểm toán; Các vấn đề liên ngành, đa ngành Kế toán, kiểm toán và các ngành liên quan khác.

 PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại trao kỷ niệm chương cho các đơn vị sáng lập và đồng chủ trì.

PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại trao kỷ niệm chương cho các đơn vị sáng lập và đồng chủ trì.

VCAA 2024 là diễn đàn để các chuyên gia thực tế, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh gặp gỡ, trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức trước bối cảnh của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-dung-ai-de-gian-lan-trong-bai-tap-coi-chung-hau-qua-nghiem-trong-post707019.html