Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng như: tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất, tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản... Việc khai thác các nguồn tài nguyên này trong những năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát trển kinh tế - xã hội, song đây cũng là nguyên nhân tác động trực tiếp đến môi trường. Do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.

Người dân phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) tham gia dọn vệ sinh bảo vệ môi trường.

Người dân phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) tham gia dọn vệ sinh bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá thường niên của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bên cạnh công tác tham mưu cho UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên gắn với BVMT, Sở TN&MT luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động ban hành và thực thi các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh.

Ví như trong lĩnh vực đất đai, ngành đã tập trung làm tốt công tác thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cho các huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên này, như: Hoạt động giao đất, cho thuê đất; thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư... Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh đã cấp được hơn 2,3 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình, đạt tỷ lệ 96,94% số giấy phải cấp, tăng 3.410 giấy so với cùng kỳ năm 2023. Đối với việc cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, đến nay đã cấp được 15.863/20.244 giấy cần cấp, đạt tỷ lệ 78,36%.

Liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản - đây là lĩnh vực nhạy cảm, do đó, ngành luôn quan tâm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu cho tỉnh các biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những điểm nóng trong hoạt động khai thác khoáng sản; khai thác, vận chuyển trái phép cát sỏi lòng sông. Theo thống kê, từ năm 2023 đến hết tháng 9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT, các sở, ngành, Công an tỉnh và UBND cấp huyện đã xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản đối với 114 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền hơn 9,7 tỷ đồng. Trong đó, 9 tháng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đối với các tổ chức, với tổng số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng. Điển hình như tháng 5/2024, Công ty CP Đại Lâm, có mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Trường Lâm và xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 170 triệu đồng, do khai thác vượt ra ngoài mốc giới được phép khai thác. Trước đó, tháng 4/2024, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng đối với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Khai thác khoáng sản Trường An, trụ sở chính ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đã có hành vi vi phạm hành chính quá từ 6 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại mỏ cát ở xã Phú Thanh (Quan Hóa)...

Theo Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT Nguyễn Thế Hùng, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thể hiện sự quyết liệt của tỉnh cũng như ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp.

Từ thực tiễn cho thấy, công tác BVMT đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, Sở TN&MT đều tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương, đơn vị, nhất là các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở TN&MT Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức thẩm định, cấp giấy phép môi trường đối với 69 dự án, cơ sở; thẩm định 95 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó có việc kiểm tra, xử lý tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước tại trang trại chăn nuôi Tâm Việt, xã Bãi Trành (Như Xuân); tình trạng phát sinh mùi hôi của trang trại chăn nuôi Dabaco tại các xã Thạch Tượng, Thạch Lâm (Thạch Thành); kiểm tra, xử lý tình trạng phát sinh mùi hôi từ trang trại nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina trên địa bàn xã Tân Phúc (Lanh Chánh)...

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng cũng như qua ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là nhận thức về khai thác, sử dụng tài nguyên có lúc, có nơi còn chưa đúng, nhất là về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không đúng mốc giới vẫn còn diễn ra; ý thức BVMT của một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa cao... Thực tế, việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và BVMT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên cũng có không ít khó khăn, thách thức nên ngoài sự nỗ lực từ ngành chức năng cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ phía cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể cũng như sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/su-dung-hop-ly-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-228814.htm