Sử dụng pháo hoa không tiếng nổ phải an toàn và lành mạnh

Tuần qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo để thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15-4-2009 quy định về quản lý thuốc pháo, pháo các loại; quản lý sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo hoa và thuốc pháo hoa...

Trong nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ. Đáng chú ý, trong đó tại Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa... song là loại không phát ra tiếng nổ và phát sáng ở tầm thấp.

Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa… Ảnh minh họa: VOV.vn

Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa… Ảnh minh họa: VOV.vn

Ngay sau khi các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về nghị định này đã nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Không ít người dân đã hiểu lầm là lại được đốt tất cả các loại pháo vào dịp lễ, tết; có người lại băn khoăn là khi muốn đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật thì có phải đăng ký với chính quyền hay không?

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), ở đây phải hiểu pháo hoa được phép đốt là loại pháo mà người dân tổ chức đám cưới hay đốt phát ra ánh sáng, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, chứ không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ. Còn với loại pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.

Theo tôi, đây là một chủ trương đúng của Chính phủ, bởi lẽ sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định số 36/2009 đã bộc lộ một số hạn chế và không phù hợp với điều kiện quản lý hiện nay, như chưa nêu rõ các trường hợp thế nào là pháo hoa (không nổ) và pháo hoa nổ. Ngoài ra, thời gian qua, bên cạnh tình trạng sử dụng pháo hoa nổ trái phép, có nhiều tổ chức, cá nhân đã mua bán trái phép pháo hoa (không nổ), nhưng việc xử lý gặp khó khăn vì chưa rõ khái niệm. Chính vì vậy, việc Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định số 137/2020, tách riêng khái niệm về pháo hoa gồm pháo hoa, pháo hoa nổ là rất cần thiết và việc đưa ra các quy định nêu trên là để cơ quan chức năng quản lý tốt hơn, chứ không phải khuyến khích người dân đốt pháo hoa trong các dịp lễ, tết.

Để nghị định này được thi hành và đi vào cuộc sống hiệu quả, thiết thực, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, ban hành quy chế, quy định cụ thể hơn nữa để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vì nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu. Nhiều người trong chúng ta đã biết đến những hệ lụy, hậu quả mà pháo nổ gây ra trước đây khiến người thì bị bỏng nặng, rách tay, có người phải khoét mắt, cụt tay, cưa chân, thậm chí có những người thiệt mạng vì pháo. Do đó, mỗi người trong chúng ta hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, để mỗi khi pháo được đốt lên sẽ mang tới sự vui tươi, lành mạnh và an toàn.

HOÀNG LAN (Thanh Xuân, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/su-dung-phao-hoa-khong-tieng-no-phai-an-toan-va-lanh-manh-645241